Văn hoá

Nhà đày Buôn Ma Thuột: Nhà tù biến thành "trường học cách mạng"

Nằm giữa trung tâm thành phố, Nhà đày Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước.

Nhà đày Buôn Ma Thuột có diện tích rộng 2ha, tọa lạc tại phường Tự An (Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1930.

Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, chiến sĩ cộng sản. Tùy theo mức án và “mức độ nguy hiểm” mà tù nhân bị cùm chân hay không.

Khu xà lim là nơi biệt giam các chiến sĩ trung kiên, những người đứng đầu trong các cuộc đấu tranh, biểu tình và vượt ngục.

Tại Nhà đày Buôn Ma Thuột có nhiều hạng mục công trình như: Nhà lao giam giữ, nhà quản lý, nhà y tế, bếp - ăn, nhà giáo huấn, khu tra tấn, nhà xưởng,... 

Đúng như tên gọi Nhà đày, tù nhân ở đây, đặc biệt là tù chính trị sống vô cùng khổ cực và thường xuyên bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn.

Tù nhân tại thường xuyên bị tra tấn dã man.

Cai ngục sử dụng mọi biện pháp tàn bạo và thâm độc để tiêu diệt lực lượng yêu nước, cách mạng.

Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nhà đày nổi tiếng mà thực dân Pháp đã sử dụng các hình thức giam giữ, tra tấn tàn ác nhất Đông Dương đối với các chiến sĩ cộng sản.

Hình ảnh tái hiện một hình thức tra tấn đối với tù nhân bằng cách phơi nắng ngoài sân bê tông, chân bị xích vào quả cầu to, nặng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Không chỉ bị đánh đập tàn nhẫn, các tù nhân còn thường xuyên phải lao động vất vả ở các công trường, đồn điền hay trong nhà xưởng.

Tù nhân phải đi lao dịch khổ sai làm nhà tù, mở đường chiến lược, xây dựng nhà cửa, cầu cống, làm vườn, trồng cây.

Sự gian khổ và áp bức tàn nhẫn không khuất phục được ý chí những người cộng sản, những nhà yêu nước. Những tù nhân cộng sản đã biến nhà tù thành "trường học cách mạng", “lò luyện thép”, thành trận tuyến đấu tranh chính trị để gây dựng phong trào cách mạng.

Lớp học của các chiến sĩ cộng sản yêu nước được tổ chức ngay trong nhà tù.

Các tù nhân luôn thể hiện khí tiết, tinh thần lạc quan cách mạng của người cộng sản dù bị giam giữ, tra tấn dã man. 

Lợi dụng những ngày tháng ở tù, các chiến sĩ cộng sản đã tổ chức hội họp và học tập lý luận.

Các tài liệu học tập do chính tù nhân soạn để dạy cho nhau. 

Nhiều đồ vật như: sỏi, đôi đũa, cái thìa gỗ, đôi dép... đã trở thành phương tiện liên lạc của các tù nhân trong Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Những năm tháng đấu tranh oanh liệt tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, bảo vệ nền độc lập nước nhà của các chiến sĩ cộng sản.

Đến ngày 24/12/2018, Nhà đày Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Thời gian qua, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử. Nơi đây đã trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Thời gian qua, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã được trùng tu nâng cấp, sửa chữa lại nhiều lần theo nguyên dạng như xưa để phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh, cũng như du khách quốc tế.

Khánh Ngọc