Ngôi sao

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Người nghệ sĩ "đa mang" ôm giấc mơ quê đi về cõi lạc

Văng vẳng bên triền dốc nghệ thuật là những khúc hát thân thuộc đậm chất miền quê, nơi người hâm mộ nhớ về cái tên Nguyễn Trọng Tạo – nhà thơ, nhạc sĩ quá nửa đời phiêu dạt xứ lòng.

Người nghệ sĩ "đa mang" ôm giấc mơ quê vào cõi lạc

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 trong một gia đình Nho học ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Dù cuộc sống xô bồ bon chen xuôi ngược, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vẫn giữ trong mình cốt cách truyền thống của người con sinh trưởng trong gia đình nhà Nho xứ Nghệ.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thời trẻ.

Ông thích tụ tập bạn bè chén tửu theo kiểu văn sĩ xưa, nhà thơ ngẫm nghĩ:

Tôi có nghiện rượu đâu. Người nghiện là khi ở một mình, họ vẫn lôi rượu ra uống. Với tôi, rượu ngon là phải có bạn hiền. Tôi có thể ngồi nhậu đến bốn, năm tiếng đồng hồ, miễn là có bạn. Khi thấy một người bạn bảo không uống rượu được nữa, tôi buồn lắm, vì sợ họ sẽ mất sớm.

Là Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẫn giữ cho mình một phong thái ung dung trước thế sự, ông từng nói:

Nhiều người cứ hay hỏi tôi rốt cuộc là nhà gì, nhà thơ hay nhà viết nhạc? Tôi chỉ thấy tôi là "nhà quê" mà thôi, thậm chí là quê một cục. Tôi xuất thân từ nghề làm ruộng rồi chuyển sang làm thợ mộc.

Ông tâm sự không phải ngẫu nhiên mà viết ra được những tác phẩm thấm đượm hồn Việt. Sinh ra ở Diễn Châu, Nghệ An, "chất quê" ngấm vào máu ông từ thuở thiếu thời.

Sau này, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo được đi nhiều vùng, từ nông thôn đến thành thị. Mỗi miền đất mang đến cho ông một trải nghiệm khác nhau nhưng nhạc sĩ chỉ thực sự rung động trước các làng quê Việt.

Ông thích dân ca các vùng miền, những làn điệu độc đáo của Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ, Huế, Bắc Ninh...

Ông sử dụng những chất liệu này để cấu trúc nên các giai điệu, tiết tấu mới. Vì thế, ca khúc của Nguyễn Trọng Tạo phảng phất âm hưởng từ Bắc - Trung - Nam, không khu biệt vùng nào.

Với nhà thơ, quê hương là sự gắn bó, tự hào và có lẽ vì đó mà trong mỗi sáng tác của ông luôn hướng đến nỗi lòng của người quê. Đó là sự trân trọng của mình đối với tác phẩm cũng như với công chúng.

Khán giả đã quen thuộc tên ông qua các ca khúc đậm chất dân ca như: Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang, Khúc hát sông quê, Tình ca bên một dòng sông, Non nước Cao Bằng, Mẹ tôi,…

Bởi chất "quê" tan chảy ngọt ngào trong từng thớ nhạc đường thơ mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo được khán giả ví von là "người bước ra từ ca dao", "nhạc sĩ của đồng quê, làng cảnh Việt Nam".

Không chỉ vậy, vị nhạc sỹ tài hoa này còn ghi dấu ấn đậm nét qua nhiều tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc).

Con người ta khi đã đi qua một chặng đường dài sẽ muốn nghỉ ngơi nhưng Nguyễn Trọng Tạo dường như không thế.

Ông là người nghệ sĩ ham nghề nhất và tài năng nhất. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo "gánh" đủ thứ việc như biên tập, thiết kế bìa sách, dạy học, chấm thi âm nhạc, sáng tác thơ, thậm chí "cả nể" bạn bè, ông cặm cụi viết lời tựa, thiết kế bìa sách cho bạn mà không mảy may một đồng nhuận bút.

Hầu như đêm nào ông cũng thức đêm, thậm chí đến sáng để hoàn thành "tỷ thứ việc" như vậy.

Nhạc sĩ nhớ lại một đêm mùa đông, ông ngủ quên trước máy tính khiến chân và tay cứng đơ vì lạnh giá. Khi tỉnh dậy, nhạc sĩ phải lết vào giường, đắp chăn cho ấm.

Sau khi ấm cơ thể và cử động được, ông lại tiếp tục làm việc cho kịp hạn chót.

Khi được hỏi tại sao ông vẫn ôm đồm nhiều việc như vậy, nhạc sĩ trả lời:

Tôi không thích kiếm nhiều tiền đâu. Nhưng tôi cả nể, hầu như ai nhờ vả việc gì tha thiết quá là tôi lại gật đầu. Tính tôi là vậy đấy, mình không giúp được người khác lại thấy áy náy.

Chiếc lá rơi theo gió cuốn về cuối trời

Trời xanh thử thách người tài, cuối năm 2017, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo bị đột quỵ vì tai biến. Tình trạng của ông lúc đấy bị nhận định là rất nặng, tiên liệu xấu, chảy máu não, huyết áp rất cao, lúc tỉnh lúc mê, liệt nửa người, không nói được.

Ông nhớ lại:

Tôi như một người chết. Vô hồn. Cứ mê mê tỉnh tỉnh như thế, nhiều lúc chỉ… muốn chết. Nhưng khi có chút ý thức muốn tự tử, tôi cũng không đủ thời gian và sức khỏe. Có lúc nghĩ đến tự tử rồi lại mê man mất rồi…

Sau cơn tai biến, Nguyễn Trọng Tạo cũng tích cực tập thể dục, uống, tiêm thuốc kết hợp với việc tập vật lý trị liệu cùng bác sĩ. Ông cũng dần đọc sách báo, viết thơ nhạc trở lại.

Thoát khỏi cơn sinh tử, nhà thơ cảm thán rằng:

Ai cũng bảo Nguyễn Trọng Tạo là người may mắn. Đến bây giờ, có thể nói tôi đã thoát khỏi tay thần chết, thoát khỏi một cuộc sống quá khó khăn. Và cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục, tôi sẽ trở lại với những cảm xúc mới, thậm chí sống có cảm xúc hơn.

Ở tuổi 70, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sống một mình trong căn chung cư ở khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội. Ông ít khi nhắc chuyện hai người vợ cũ mà thích kể về các con.

Duy chỉ có một lần ông nói về hạnh phúc đời tư trên báo Gia đình và Xã hội: "Tôi lấy vợ thực đơn giản. Người vợ đầu tiên là người cùng làng, hai ông bố là bạn của nhau. Người vợ thứ hai tôi gặp tình cờ ở Huế và từ khi gặp nhau đến khi cưới nhau chỉ vỏn vẹn 18 ngày. Có lẽ chính sự đơn giản và vội vàng đã dẫn đến những đổ vỡ đáng tiếc".

Con gái lớn của ông đã lập gia đình, đang làm việc trong ngành Ngân hàng. Trước đây, cô là học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào thẳng đại học.

Cô út đang học Tiến sĩ Kinh tế ở Italy cũng suy nghĩ giống chị. Con trai thứ của nhạc sĩ đã lấy bằng Tiến sĩ Kiến trúc ở Italy hiện đang công tác tại Huế.

Nguyễn Trọng Tạo có tư tưởng khá thoáng, luôn tôn trọng quyết định của các con.

Trong công việc và cuộc sống, sợ tụt hậu nên Nguyễn Trọng Tạo tự mày mò học hỏi công nghệ và tham gia mạng xã hội, ông từng hào hứng kể lại:

Đời tôi chủ yếu là tự học, tự mày mò, sáng tạo. Thuở bé, tôi từng tự làm một chiếc đàn violon và biểu diễn cho trường cấp 3 nghe trong buổi lễ chào cờ. Tôi nghĩ chỉ cần mình nhanh nhạy, chăm chỉ, không gì là không học được. Tôi không muốn là kẻ lỗi thời.

Một nhân cách đẹp, một lối sống giản dị đã giã biệt thánh đường nghệ thuật để nằm yên trên dòng sông xanh chảy đến cõi vô cùng.

Vĩnh biệt! Chúng ta mãi nhớ đến ông, đến những bài hát, vần thơ của nghệ sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong hoài niệm:

Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi

mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ

mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

Có thương có nhớ có khóc có cười

có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi....

Minh Anh (tổng hợp)