Sức khỏe

Nguyên tắc sống còn của “hiệp sĩ chống dịch”: “3 diệt” và bao vây dập dịch

Ở tuổi 70, với gần 40 năm gắn bó với chuyên ngành Truyền nhiễm mà ngày nay gọi là chuyên ngành các bệnh Nhiễm trùng và Nhiệt đới, bác sĩ Ngô việt Hùng đã trải qua không biết bao nhiêu vụ dịch từ lúc mới ra trường. Với ông nghề nghiệp chọn ông chứ không phải do ông chọn.

Trải qua những cơn cuồng phong của các vụ dịch

Bác sĩ Ngô Việt Hùng (chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Hữu nghị Việt-Tiệp) được người dân Hải Phòng yêu mến gọi bằng Bá. Bởi, ông đã giúp đỡ, tư vấn nhiều người thoát khỏi “bóng ma trắng” và vực dậy sau “cơn bão” HIV. Ông luôn coi họ là con, cháu trong nhà, ông muốn họ thoát khỏi nỗi đau và cái chết đang trực chờ trước mắt.

 Ông tâm niệm rằng, “Sự yêu nghề? – Không đủ. Một trách nhiệm? – Không đủ mà cần phải có trái tim”.

Bác sĩ Hùng tốt nghiệp đại học Y Hà Nội năm 1973. Tháng 2/1974, ông được điều về công tác tại trường trung học Y tế Hải Dương nay là trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vừa làm thầy thuốc vừa làm thầy giáo.

Ngày ấy, khi chưa có tiêm chủng mở rộng bệnh dịch nhiều lắm. Năm nào cũng có, mùa nào cũng có. Nhưng ở đâu có dịch là ở đấy có các bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm.

Họ luôn được coi là những đơn vị “thiện chiến” có mặt ở tuyến đầu, đối mặt với hiểm nguy để góp phần tích cực nhất vào cuộc “bao vây dập tắt dịch” (thuật ngữ của các giáo sư bậc thầy về Dịch tễ học thời đó – PV).

Bác sĩ Ngô Việt Hùng - Người đã đải qua những cơn cuồng phong của các vụ dịch

Các bác sỹ chuyên ngành truyền nhiễm vào thế hệ của ông đã trải qua những cơn cuồng phong của các vụ dịch sởi, bại liệt, tả, dịch hạch, não viêm ở người lớn, sốt xuất huyết dengue, SARS, H5N1, viêm màng não do liên cầu lợn ...Ở thời điểm đó, những yêu cầu về trách nhiệm phòng dịch, chống dịch càng cao, từ lãnh đạo các cấp đến nhân viên y tế phải chịu đựng những áp lực mạnh mẽ trên mọi bình diện.

“Những năm trước tiêm chủng mở rộng, chúng ta phát hiện dịch bằng kinh nghiệm lâm sàng và áp dụng triệt để các nguyên tắc bao vây dập tắt dịch. Trong những năm chiến tranh, trong những năm đói nghèo của đất nước, nguồn lực của chúng ta vô cùng hạn chế. Chất sát trùng phổ biến của chúng ta là vôi bột. Thuốc kháng sinh quý nhất là Penicilline và Streptomycine không phải lúc nào cũng sẵn có. Truyền dịch là giấc mơ của những nhà lâm sàng tuyến tỉnh. Trang bị bảo hộ giống hệt trang bị ngày thường. Có Chloramine B để ngâm tay đã là quý lắm rồi. Về đến nhà chỉ lo mình mang theo mầm bệnh cho chính gia đình mình”, ông chia sẻ.

Vất vả, gian khó là vậy nhưng, trong mưa, lụt, chiến tranh họ - những bác sỹ chuyên khoa Truyền nhiễm và các đồng nghiệp Trạm Vệ sinh Phòng dịch vẫn hăng hái, hồ hởi đến từng thôn bản có dịch để cùng với cán bộ y tế, giới chức và nhân dân địa phương bao vây, dập tắt dịch. Thời điểm đó, họ kết hợp với tuyên truyền “3 diệt” (diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột), “vỉ ruồi, giếng nước, hố xí hai ngăn”.

Phải là người đầu tiên phát hiện những căn bệnh mới và những triệu chứng lạ

Từ năm 1973 đến hết 1983 bác sĩ Hùng đã làm những điều ấy ở Hải Dương, miền đất mà thời sinh viên ông đã tham gia chống dịch trong một trận lụt khủng khiếp khoảng những năm đầu của thập kỷ 70. Vào chuyên ngành Dịch tễ-Truyền nhiễm chắc là có tiền duyên. Với ông nghề nghiệp chọn ông chứ không phải do ông chọn.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước đến hết năm 2010 ông làm việc ở Hải Phòng với mở đầu là dịch tả và dịch hạch sau đó là các bệnh gây dịch do virus như HIV, SARS, cúm H5N1... Người đã nhìn nhận ra ông lúc ấy là PGS Hoàng Thúc Thùy. Người thầy ấy đã âm thầm “chăn dắt”, giáo dục một người nhỏ nhoi như ông lúc bấy giờ hành trang chỉ có 10 năm kinh nghiệm lâm sàng và sử dụng chỉ có một ngoại ngữ là tiếng Nga. Một người sống trung dung và đạo đức theo truyền thống của một gia đình nho giáo. Người thầy ấy đã hun đúc cho ông tinh thần học thuật để vượt lên so với những người cùng trang lứa. Cho đến giờ ông vẫn còn nhớ mãi câu giáo huấn của PGS Hoàng Thúc Thùy: “Nhân viên khoa Lây phải là những người đầu tiên phát hiện những ca bệnh gây dịch đầu tiên trong thành phố Hải Phòng”.

Ông đi nhiều nơi để thực hiện "xứ mệnh" của mình.

Sau này khi làm trưởng khoa, hàng năm vào ngày đi làm đầu tiên của năm mới âm lịch ông vẫn nhắc lại câu nói đó với các bác sĩ trẻ trong thông điệp đầu năm và thêm vào: “Và phải là những người đầu tiên phát hiện những căn bệnh mới và những triệu chứng lạ”. Theo gương PGS Hoàng Thúc Thùy, bác sĩ Hùng cũng đào tạo những người học trò chăm học, chăm làm, yêu nghề, yêu con người. Ngày nay nhiều người trong số họ cũng sử dụng được tối thiểu 3 ngoại ngữ như ông, họ làm các nghiên cứu khoa học, làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ ở trong nước và nước ngoài. Ông kiêu hãnh và cảm động vì có được những người học trò như thế.

Cố gắng sống để nói về “Sự ra đi của AIDS”

Từ khi về hưu đến giờ, ông làm việc một năm trong một cơ sở điều trị thay thế chất gây nghiện Opioides bằng Methadone rồi tham gia các họat động giảng dạy về nhiễm trùng HIV cho Tổ chức Gia đình Quốc tế (FHI), chương trình Lao/HIV và các hoạt động đào tạo khác của Cục quản lý và kiểm soát HIV/AIDS, cục Y tế Bộ Công an...

Ông đi nhiều nơi, đến những làng bản xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An và Điện Biên để hỗ trợ kỹ thuật cho các bạn đồng nghiệp trong lĩnh vực HIV, nói chuyện và giáo dục điều trị cho những người nhiễm ở đó, bất chấp nắng như đổ lửa ở các huyện miền tây xứ Nghệ đến những ngày sạt lở, lụt lội của Nậm Pồ Điện Biên. Ông cũng đi đến các trại giam khắp miền Bắc để hỗ trợ kỹ thuật cho các cán bộ y tế và khám bệnh, giáo dục điều trị cho các phạm nhân bị nhiễm HIV.

Mong muốn có một ngày được nói về "sự ra đi của AIDS".

Để lại sau lưng, trên đường đời của mình những kiến thức cũ, việc làm cũ, ông tiếp tục nỗ lực tự làm mới mình bằng những kiến thức và kinh nghiệm hiện đại và gắng sống đến năm 80 tuổi để thực hiện lời hứa với các học trò của mình, những người nhiễm HIV của mình là nói về “Sự ra đi của AIDS”.