Hồ sơ điều tra

Nguyên phó phòng Tỉnh ủy lừa hơn 7,5 tỷ đồng tiền chạy việc như thế nào?

Lợi dụng sự cả tin của nhiều người, Lương Duy Tuyển hứa hẹn sẽ xin việc và nhận tiền của họ với tổng số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.

Như đã đưa tin, Công an tỉnh Quảng Bình vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng đối với đối tượng Lương Duy Tuyển (SN 1967), trú TP.Đồng Hới về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng sự cả tin của nhiều người, Lương Duy Tuyển hứa hẹn sẽ xin việc và nhận tiền của họ với tổng số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Sau khi giao nhận tiền, nhưng vẫn không được đi làm, nhiều bị hại đã tìm gặp Tuyển để đòi lại tiền. Tuy nhiên, Tuyển không trả hoặc chỉ được trả lại một phần nhỏ số tiền mà họ đã đưa.

Các bị hại đã gửi đơn tố cáo, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra và làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng Lương Duy Tuyển. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Lương Duy Tuyển đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Kết quả điều tra ban đầu, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2018, có hơn 30 người đã tin vào lời hứa hẹn xin việc làm của Lương Duy Tuyển và đã đưa cho đối tượng mỗi người số tiền từ 70 đến 400 triệu đồng.

Công an tiến hành bắt giữ đối tượng Lương Duy Tuyển (áo trắng đi giữa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tìm hiểu, ông Lương Duy Tuyển từ phó trưởng một phòng chuyên môn thuộc Tỉnh ủy Quảng Bình, sau đó đã bị điều chuyển về làm việc tại trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, mới bị điều chuyển một thời gian ngắn, ông Lương Duy Tuyển đã bị khởi tố về tội danh trên.

Ông Nguyễn S., trú xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, là một trong số các nạn nhân bị ông Tuyển lừa chạy việc kể lại. Trước đây, người này biết đến ông Tuyển thông qua một người quen giới thiệu. Khi gặp gỡ, ông Tuyển “khoe” mình có khả năng xin được nhiều vị trí việc làm nên ông đã nhờ xin việc cho em gái vợ mình. Theo ông S. vì có bằng cấp chuyên môn nên em vợ mình muốn xin việc vào làm ở Cảng Hàng không Đồng Hới, vị trí là an ninh sân bay. Ông Tuyển đòi giá 500 triệu đồng và cả 2 bên cùng ngồi thương lượng, sau đó "chốt" 400 triệu đồng.

Theo ông S., đầu tiên, ông đã đưa cho ông Tuyển 200 triệu đồng, lần thứ 2 là 30 triệu và lần cuối 15 triệu để lo thủ tục xin việc cho em gái như đã thương lượng. “Lúc ông Tuyển nhận tiền của tôi là khoảng giữa năm 2018", ông S. nói.

Một thời gian sau thấy nghi ngờ nên ông S. đến đòi lại tiền nhưng ông Tuyển không những không trả mà còn liên tục hối thúc ông S. phải "chồng" đủ số tiền trên mới có việc. Ông S. cho biết: “Tôi nhiều lần tìm gặp và đến nhà ông Tuyển đòi tiền nhưng ông này không trả và xin khất mãi. Đến thời điểm sau đó mới chỉ trả lại 150 triệu đồng”.

Khi gặp gỡ các nạn nhân, để tạo được lòng tin của họ, ông Tuyển khoe mình có quan hệ rất rộng từ trung ương đến địa phương nên xin việc ở đâu cũng được. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền “chạy việc”, ông Tuyển đã không xin việc cho bất kỳ trường hợp nào cả. Nhiều người đến nhà ông Tuyển đòi lại tiền, nhưng ông không trả, một số trường hợp ông Tuyển có trả lại nhưng không đầy đủ.

Trên thực tế, cùng với việc là cán bộ, ông Tuyển đã lấy “mác” vợ mình là lãnh đạo đầu ngành thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Đồng Hới nên đã dễ dàng tạo dựng được lòng tin đối với các nạn nhân trong suốt 5 năm qua bằng chiêu trò chạy xin việc.

Ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình xác nhận, ông Lương Duy Tuyển là chuyên viên trung tâm hỗ trợ việc làm cho nông dân. Liên quan đến sự việc này, hội Nông dân đã họp và đình chỉ công tác đối với ông Tuyển.

Hiện lực lượng công an vẫn đang tiếp tục củng cố hồ sơ, điều tra làm rõ sự việc.