Hồ sơ điều tra

Nguyên Phó giám đốc sở GD&ĐT Trần Xuân Yến chỉ nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm?!

Bị xét hỏi cuối cùng, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Trần Xuân Yến khẳng định chỉ nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm.

Nhờ xem điểm vì nể nang đồng nghiệp

Ngày 16/10, TAND tỉnh Sơn La bước sang ngày xét xử thứ hai vụ án gian lận thi cử từng gây rúng động dư luận cả nước.

TAND tỉnh Sơn La đang xét xử vụ gian lận thi cử.

8 người bị đưa ra xét xử gồm: Phó giám đốc sở GD&ĐT Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí), Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng phòng Chính trị sở GD&ĐT), Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Đinh Hải Sơn (cán bộ công an tỉnh), Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng phòng Khảo thí) và Đỗ Khắc Hưng (cán bộ công an tỉnh).

Theo quan sát của phóng viên, bị xét hỏi cuối cùng, bị cáo Trần Xuân Yến (tại ngoại) có vẻ sốt sắng.

Ngay khi được yêu cầu đứng lên trước bục khai báo, bày tỏ quan điểm về nội dung bản cáo trạng truy tố, bị cáo Yến nói không đồng tình với nội dung bản cáo trạng. Cụ thể bị cáo không nhất trí với hai nội dung là trách nhiệm và hành vi như cáo trạng nêu.

Bị cáo Trần Xuân Yến.

Bị cáo Trần Xuân Yến khai không nhận nâng điểm cho 15 thí sinh. Bị cáo chỉ chuyển danh sách cho Nguyễn Thị Hồng Nga nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm.

Lý do bị cáo Yến đưa ra là do nể nang nhận của ông Hoàng Tiến Đức 8 thí sinh và nể nang đồng nghiệp nên đã nhờ bị cáo Nga xem trước điểm thi. Bị cáo không hề có mục đích gì khác, cũng như không được hưởng bất kỳ lợi ích vật chất, hay tinh thần nào.

“Mong muốn của gia đình là muốn biết điểm sớm cho các cháu thôi. Bị cáo cũng không nhận được kết quả nào báo lại từ Nga”, bị cáo Yến khai.

Bị cáo Yến khẳng định tại phiên tòa: “Bị cáo cũng không biết, không đồng thuận và không cho phép các bị cáo Nga, Cầm Thị Bun Sọn và Đặng Hữu Thủy sửa bài của thí sinh”.

Với vai trò là Tổ trưởng tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, bị cáo Yến đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ. Trước khi phân công đã tổ chức họp, thảo luận nội dung phân công, ban hành văn bản. Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm cũng đã thực hiện đúng quy định, niêm phong bài thi.

Tiêu hủy đĩa CD ngoài nghĩa trang do hết giá trị sử dụng

Để làm rõ các nội dung bị VKS cáo buộc, HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi truy vấn bị cáo Trần Xuân Yến.

“Khi có thông tin bộ GD&ĐT sẽ lên kiểm tra, bị cáo yêu cầu Nguyễn Thị Hồng Nga làm gì?”. Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Yến khai: “Khi nghe thông tin đoàn kiểm tra của Bộ về, bị cáo gọi Nga đến nhà riêng bảo Nga rà soát lại quy trình, lưu, in dữ liệu đề phòng trường hợp máy hỏng, mất hết dữ liệu”.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga.

Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi: “Lý do bị cáo yêu cầu bị cáo Nga in, sao, xóa dữ liệu nhằm mục đích gì?”. Bị cáo Yến khẳng định: “Bị cáo không chỉ đạo Nga xóa dữ liệu, chỉ bảo sao lại đề phòng trường hợp máy tính hỏng, mất dữ liệu”.

Bị cáo Yến giải thích thêm, việc bị cáo Nga sao lưu dữ liệu diễn ra sau ngày bộ GD&ĐT công bố điểm thi, nên tài liệu không được coi là tài liệu Mật nữa, như vậy, hành vi của bị cáo cũng không gây ảnh hưởng gì.

Các bị cáo tại tòa.

Sau đó, tối ngày 19/7/2018, khi đoàn kiểm tra của bộ GD&ĐT tìm ra dữ liệu thi trên máy, các dữ liệu còn nguyên vẹn, bị cáo Yến thấy bộ đĩa CD bị cáo nhờ Nga in ra không còn mục đích sử dụng nữa, nên mang đi tiêu hủy.

“Bị cáo nghĩ nếu thất lạc ra ngoài thì không tốt, tài liệu này cũng đã được công khai trên toàn quốc rồi. Không còn tác dụng nữa thì bị cáo hủy ở nghĩa trang nhân dân tỉnh Sơn La, việc này không ai biết”, lời khai của bị cáo tại tòa.

Tòa tiếp tục xét hỏi những người làm chứng.

Tư Viễn - Phạm Tùng