Hồ sơ điều tra

Nguyên Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nói bị ép cung

Giải thích về việc thay đổi lời khai tại cơ quan điều tra, nguyên Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La – Trần Xuân Yến nói “Tôi bị ép cung”.

“Tôi bị ép cung”

Ngày 23/5, VKSND tỉnh Sơn La bước vào phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án gian lận thi cử THPT Quốc gia hồi năm 2018.

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga.

Kiểm sát viên tiếp tục thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) để làm rõ hành vi Nhận hối lộ.

Nga khai, chiều ngày 28/6/2018, Trần Văn Điện (nguyên cán bộ trường THCS Chiềng Cơi; TP.Sơn La) đến phòng làm việc của Nga tại sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đặt vấn đề nhờ nâng điểm giúp cho 4 thí sinh. Lúc này Nga nói: “Việc này khó lắm, không biết có làm được không, chắc không làm được đâu”. Song, Điện vẫn đưa thông tin 4 thí sinh nhờ Nga giúp.

2 người thỏa thuận trường hợp 1 thí sinh H. sẽ đưa cho Nga 350 triệu đồng; các trường hợp còn lại là 230 triệu đồng.

Như vậy, bị VKS truy tố về tội Nhận hối lộ, bị cáo Nga lí nhí trả lời không có ý kiến gì về cáo buộc này.

Ngược lại, bị cáo Trần Văn Điện cho rằng lời khai của bị cáo Nga về nội dung thỏa thuận và đưa tiền “cảm ơn” là không đúng.

Trình bày lại sự việc, Điện khai: “Bị cáo có 2 lần đến nhà chị Nga để chuyển danh sách thông tin thí sinh nhờ xem điểm. Bị cáo không có hành vi đưa tiền cho bị cáo Nga”.

Ông này khẳng định thêm, “Trong danh sách đưa cho Nga không ghi số điểm cần nâng, bị cáo chỉ nhờ chị Nga xem điểm”.

Chuyển sang xét hỏi đối với ông Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc sở GD-ĐT Sơn La). Bị cáo Yến khẳng định nội dung truy tố của VKS đối với bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là không đúng.

Bị cáo Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc sở GD-ĐT Sơn La).

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, bị cáo Yến có nhận danh sách nhờ xem điểm trước cho 13 thí sinh, chứ không nhờ nâng điểm.

Bị cáo Yến nói: “Ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức – cựu Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nhờ bị cáo xem điểm cho 8 thí sinh. Trong danh sách có họ tên thí sinh, môn thi, số báo danh, phòng thi, địa điểm thi, điểm thí sinh tự chấm được, do ông Đức nói cho bị cáo nội dung này”.

Vị KSV đề nghị bị cáo Yến giải thích về nội dung đóng mở ngoặc 24, 27… trong danh sách mà ông Đức đưa cho bị cáo? Nguyên Phó Giám đốc Sở nói đây là điểm thí sinh tự chấm.

Bị cáo Yến tiếp tục khai: Chiều 30/6/2018, bị cáo đã đưa danh sách cho Nga và nhờ xem điểm.

Trích lời khai của bị cáo Yến tại tòa: Trước đó 2 ngày, bị cáo gặp Nga và hỏi “Thủ trưởng có nhờ xem điểm thì làm thế nào? – Nga nói “chuyển danh sách cho tôi”.

Kiểm sát viên viện dẫn lời khai của Yến tại cơ quan điều tra: Yến hỏi Nga “cần sửa nâng điểm cho thí sinh thì làm thế nào?” – Nga nói “Để em nghiên cứu”.

Yêu cầu bị cáo giải thích về việc thay đổi lời khai này, Trần Xuân Yến trình bày: “Bị cáo bị cơ quan điều tra tạm giữ 3 ngày không có lệnh. Trong quá trình điều tra, bị cáo bị ép cung nên khai không đúng sự thật. Chỉ đến khi có sự giám sát của VKS, lúc này bị cáo mới khai chính xác”.

Luật sư phản đối cách hỏi của VKS

Phản đối cách hỏi của VKS, Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến) phát biểu: Căn cứ quy định tại Điều 308, BLTTHS năm 2015, luật sư thấy VKS trích toàn bộ bút lục, đối chiếu quy định là không cần thiết.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến).

“Việc trích lời khai của bị cáo chỉ khi bị cáo không nhớ, hoặc có lời khai mâu thuẫn. Luật sư thấy, rất nhiều câu hỏi của VKS, bị cáo Yến đã khai rất rõ ràng, việc VKS vừa hỏi vừa trả lời, trích dẫn là không đúng quy định pháp luật”, luật sư Kim Thanh nhấn mạnh.

Luật sư Trần Thu Nam cho rằng VKS có tranh luận với bị cáo Yến về những mâu thuẫn là không đúng; việc này còn mang tính chất buộc tội thân chủ của mình.

Đồng tình với ý kiến của 2 đồng nghiệp, luật sư Phạm Văn Hiển bào chữa cho bị cáo Yến nói đây đang là phần hỏi, không phải tranh luận. Tuy nhiên, luật sư Hiển cho rằng VKS đã lợi dụng quyền hạn của mình không đúng quy định.

“Giống phần hỏi bị cáo Nga trong chiều qua, đối với những câu bị cáo Nga không trả lời được, KSV đã phân tích, trả lời thay bị cáo Nga. Nguyên tắc việc hỏi là ngắn gọn để cho bị cáo trả lời, VKS đã biến việc hỏi thành tranh tụng. Luật sư đề nghị HĐXX điều chỉnh việc hỏi của VKS”, luật sư Hiển phát biểu.

Trước ý kiến phản đối của các luật sư, bà Lê Thị Thu Hà – KSV, khẳng định: Đây là phiên tòa, đại diện VKS ý thức rõ kiểm sát viên không phải muốn làm gì thì làm. VKS đang thực hiện theo đúng quy định tại Điều 308, BLTTHS.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các vị luật sư, HĐXX đã lưu ý VKS, đề nghị hỏi ngắn gọn, tránh những câu hỏi lặp lại.