Thế giới

Nguyên nhân nước Anh đối diện với nguy cơ khủng hoảng năng lượng?

Sự tích tụ của trên cả phương diện kinh tế, chính trị, nguồn cung nước ngoài và dự trữ trong nước đã dẫn đến giá cả năng lượng tại nước Anh leo thang.

Qua gần 2 năm hứng chịu “làn sóng" Covid-19, giờ đây bức tranh kinh tế nước Anh đang được tô điểm thêm những mảng màu tươi sáng nhờ các lệnh giãn cách được nới lỏng, những chính sách tài chính vĩ mô kịp thời và đặc biệt là chiến dịch tiêm chủng vắc-xin được đẩy mạnh toàn quốc. Dù chứng kiến nhiều dấu hiệu khởi sắc và đang hướng đến đà tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch, song vẫn còn đó nhiều nguy cơ hiện hữu, đe dọa trực tiếp làm chệch đà phục hồi. Một trong những nguy cơ đáng quan ngại nhất hiện nay mà nước Anh đang phải đối mặt mang tên: cuộc khủng hoảng năng lượng. 

Từ đầu năm đến nay, giá khí đốt bán buôn đã tăng 420% - một mức đột biến làm các công ty năng lượng không khỏi “chóng mặt”. Vào đầu năm, trên khắp nước Anh có khoảng 70 nhà cung cấp năng lượng, nhưng hiện nay 7 trong số đó đã tuyên bố phá sản, số còn lại đang đứng bên bờ vực vỡ nợ hoặc hoạt động cầm chừng.

Cụ thể đến ngày 25/09/2021, các Công ty Hub, Money Plus, Utility Point, People's Energy, PFP, Green và Avro ở Anh đã rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Họ cho rằng giá khí đốt mua vào tăng 70% chỉ trong vòng tháng 8, trong khi giá bán cho người tiêu dùng bị Chính phủ giới hạn tăng, khiến các công ty này không hạch toán được thu chi và phải dừng kinh doanh.

Tình trạng khủng hoảng năng lượng càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh mùa đông đang tới cận kề và được dự báo sẽ giá lạnh hơn so với mọi năm. Một số chuyên gia kinh tế bày tỏ sự quan ngại rằng nếu tình hình giá cả không được cải thiện, số lượng nhà cung cấp năng lượng sẽ ngày cảm giảm, thậm chí có thể chỉ còn 10 nhà cung cấp vào cuối năm nay, “chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất”.

Một trạm xăng của hãng BP tại Anh tạm đóng cửa. ẢNH: BBC.

Câu hỏi đặt ra lúc này là vì sao nước Anh phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng như vậy?

Chính sách "Giới hạn giá" 

Vào năm 2017, Cơ quan Quản lý thị trường năng lượng Ofgem nước Anh thông báo chính sách giới hạn giá năng lượng, quy định mức giá tối đa mà khách hàng phải trả. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm bảo vệ các hộ gia đình khỏi tác động của tình trạng giá năng lượng trong nước tăng theo biến động của giá thị trường toàn cầu.

Mức giới hạn sẽ được điều chỉnh hai lần một năm, tính theo giá năng lượng bán buôn trung bình trong 6 tháng trước. Gần đây nhất, ngày 1/4/2021, giới hạn giá ở mức 1.138 bảng, tăng 96 bảng so với trước đó. Từ ngày 1/10 tới đây, giới hạn giá sẽ nâng lên ở mức 1.277 bảng, do giá năng lượng bán buôn tăng. Điều này sẽ làm khoảng 11 triệu hộ gia đình Anh phải nhận hóa đơn năng lượng tăng thêm vài trăm bảng. 

Mặc dù nhà cung cấp năng lượng có thể tăng giá cước nhờ chính sách này nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí và tình trạng kinh doanh thua lỗ, bới đây chỉ là giải pháp để giảm hậu quả chứ chưa giải quyết được nguyên nhân gây ra khủng hoảng.

Phản ứng từ phía Chính phủ

Người đại diện Công ty năng lượng Green cho rằng sự phá sản của họ là do “Chính phủ không tung ra bất kỳ hỗ trợ nào cho các nhà cung cấp năng lượng nhỏ”. Trong khi đó, Chính phủ lại quyết định gói cứu trợ tài chính hàng chục triệu bảng Anh cho Công ty CF Industrie, một công ty sản xuất phân bón và cung ứng CO2 đến từ Mỹ, để đối phó với sự gián đoạn chuỗi sản xuất thực phẩm.

Chính phủ Anh đã thể hiện rõ sự miễn cưỡng và do dự  trong việc hỗ trợ các công ty năng lượng nhỏ. Theo Bộ trưởng Bộ Kinh doanh và Năng lượng Kwasi Kwarteng, phát biểu: “Tôi nghĩ rằng các nhà cung cấp năng lượng nhỏ nên xem xét các nguồn lực và sự quản lý của chính họ. Tôi không nghĩ rằng việc các công ty mới tham gia vào thị trường gần đây tăng thu kiếm tiền từ người nộp thuế là đúng".

Theo kênh Channel 4 News, cách tiếp cận cứng rắn của Chính phủ đối với các nhà cung cấp này đã khiến gần 1 triệu khách hàng không có nhà cung cấp năng lượng. Con số này vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Phụ thuộc nguồn cung từ châu Âu

Dù không còn thuộc EU nhưng Anh vẫn nhập khí đốt chủ yếu từ Na Uy và Hà Lan, trong đó khí đốt Hà Lan lại lấy từ nguồn của Nga. 

Nước Anh có trữ lượng khí đốt ít hơn so với các nước châu Âu khác, số liệu cập nhật đến ngày 18/9/2021. ẢNH: BBC.

Cả Na Uy và Nga đều đang trong giai đoạn khó khăn về sản xuất. Sản lượng khí đốt tự nhiên của Na Uy đã giảm so với dự báo chính thức, trong khi Nga chỉ giao hàng cho châu Âu khoảng 1/4 so với mức bình thường. 

Sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên không phải là riêng đối với nước Anh mà châu Âu cũng đang vật lộn để bù đắp cho nguồn cung thấp và lượng dự trữ đang cạn kiệt.

Tại Sàn giao dịch Dutch TTF, giá khí đốt đã tăng ba lần từ đầu năm. Vào này 24/9, lãnh đạo tập đoàn Gazprom, Alexei Miller cảnh báo châu Âu rằng giá khí đốt "sẽ còn tăng, thậm chí đạt mức kỷ lục" vào mùa đông năm nay. Ông cho rằng Trung Quốc và châu Á đang nhập nhiều khí đốt của Nga.

 

 

Ảnh hưởng từ hậu Brexit

Tình trạng năng lượng của nước Anh càng trở nên trầm trọng hơn do rời khỏi EU. Điều này có nghĩa là Anh không còn được hưởng chính sách chia sẻ điện năng giữa các quốc gia thành viên.

Brexit cũng là một phần nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt lao động ở Anh. Điển hình là  sự thiếu hụt tài xế HGV đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, khiến các công ty nhiên liệu hàng đầu là BP và ExxonMobil phải tạm đóng cửa một số trạm xăng dầu. Nhiều tài xế HGV trước đây đến từ các nước châu Âu khác đã không trở lại nước Anh do đại dịch Covid-19 và thủ tục nhập cảnh phức tạp.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác của khủng hoảng năng lượng hiện nay là do nước Anh đã đầu tư rất nhiều vào năng lượng gió, vốn thường chiếm 25% tổng năng lượng của nước này - cao hơn mức 8% của EU. Tuy nhiên, những tháng gần đây thời tiết ít gió hơn và sản lượng gió giảm xuống còn 7%.

Các trang trại gió ở Anh sản xuất ít năng lượng hơn. ẢNH: Canva

Như vậy, sự tích tụ của nhiều yếu tố trên cả phương diện kinh tế và chính trị, cả về khan hiếm nguồn cung và dự trự thấp đã dẫn đến giá cả năng lượng leo thang chóng mặt. Khủng hoảng năng lượng tại Anh là bài toán khó, làm đau đầu giới chức lãnh đạo, đẩy các nhà cung cấp đến nguy cơ phá sản còn người dân chịu thêm nhiều gánh nặng chi phí.

Phạm Thu Thanh (theo The Brussels Times, I news)