Thế giới

Nguyên nhân người dân Trung Quốc đổ xô đi mua chanh

Sau khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống Covid, hàng triệu người dân đang ráo riết tìm cách tăng cường miễn dịch.

Những người nông dân trồng chanh ở Trung Quốc đang vô cùng phấn khởi khi giá bán hàng tăng lên đột biến. “Thị trường đang cháy hàng”, một người nông dân tên Wen cho biết qua điện thoại. Ông Wen trồng chanh trên diện tích khoảng 53 hec ta ở An Nhạc, một huyện phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên, nơi sản xuất khoảng 70% sản lượng chanh ở Trung Quốc.

Theo ông Wen, doanh số bán chanh tuần qua của ông đã tăng vọt lên từ 5-6 tấn lên 20-30 tấn/ngày.

“Giá chanh đã tăng gấp đôi trong 4-5 ngày qua”, ông Liu Yanjing, một nông dân khác cũng ở An Nhạc cho biết. Ông Liu đang phải làm việc 14 giờ mỗi ngày để xử lý hết các đơn đặt hàng từ khắp nơi trên đất nước.

Trước đó, chanh được bán với giá 2-3 nhân dân tệ (khoảng 6.800 đồng)/kg, giờ giá đã tăng lên 6 nhân dân tệ (20.000 đồng)/kg, ông Liu cho biết.

Hôm 15/12, chủ một trang trại chanh ở tỉnh Tứ Xuyên cho biết, ông vừa nhận được 60 cuộc gọi trong một ngày từ những người muốn mua chanh. Số lượng đơn hàng chanh hàng ngày của ông đã tăng gấp 10 lần và giá bán buôn đã tăng 50%.

Tăng cường miễn dịch

Nhu cầu về chanh tăng cao đến từ các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi mọi người đổ xô đi mua thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường khả năng miễn dịch trong trận chiến mới nhất chống lại đại dịch.

Cơn sốt mua chanh khả năng bắt nguồn từ một cuộc họp báo do chính quyền thành phố Thượng Hải tổ chức được phát sóng vào ngày 8/12. Trong cuộc họp báo, một bác sĩ thuộc Trường Y Đại học Giao Thoong Jiao Tong Thượng Hải nói rằng những người đang tự điều trị Covid tại nhà và những người không có triệu chứng hay nghẹt mũi có thể pha nước chanh tươi để uống.

Còn một lời giải thích khác cho việc người dân đổ xô mua chanh là một công thức sử dụng chanh, đường và muối để làm nước điện giải (hiện đang khan hiếm) mới được chia sẻ trên mạng thời gian gần đây.

Công nhân phân loại chanh mới hái tại một xưởng ở quận Đồng Nam, tỉnh Trùng Khánh vào tháng 7.2022. Ảnh: China Daily

Xu hướng chuyển sang chanh (và các loại trái cây khác) diễn ra khi các hiệu thuốc ở các thành phố khan hiếm thuốc cảm và cúm. Đây dường như là một ví dụ về việc người dân Trung Quốc chưa sẵn sàng để thích nghi với sự thay đổi đột ngột trong chính sách chống Covid của chính phủ nước này.

Theo truyền thông địa phương, doanh số bán các loại trái cây khác bao gồm cam và lê cũng tăng vọt trên Dingdong Maicai, một nền tảng thương mại điện tử chuyên kinh doanh các sản phẩm tươi sống.

Đào vàng đóng hộp là một mặt hàng khác được săn lùng, vì trên mạng xuất hiện tin đồn rằng đào vàng đóng hộp có thể làm giảm các triệu chứng Covid, và một số người Trung Quốc tin rằng loại trái cây ngọt và lạnh này có thể cải thiện cảm giác thèm ăn, đặc biệt là khi bị ốm.

Ngày 15/12, nền tảng thương mại điện tử Hema cho biết, doanh số bán đào đóng hộp đã tăng 887% trong một tuần, và hàng vừa về đã hết sạch. Ngoài ra, mật ong, kiwi, cam, lê, dừa và gừng đều bán rất chạy.

Mới tháng trước, những người nông dân Trung Quốc đang lo lắng về hàng tấn sản phẩm tươi chất đống do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế vi rút nghiêm ngặt của nước này đối với việc vận chuyển. Theo Wen, giá chanh tại các làng Anyue gần như bằng không vì các kho dự trữ được xây dựng mà không có thị trường nội địa hoặc xuất khẩu để bán, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho nông dân. Bây giờ tất cả đã thay đổi.

Nguồn cung lớn từ "thủ phủ chanh"

Nhu cầu cao là vậy, nhưng Trung Quốc không có nguy cơ cạn nguồn cung chanh vì việc sản xuất loại quả này đã được công nghiệp hóa trên quy mô lớn, đặc biệt là ở tỉnh Trùng Khánh và Tứ Xuyên, chiếm 80% sản lượng.

Ngày 8/11, Lễ hội chanh quốc tế Đồng Nam đã chính thức khai mạc tại quận Đồng Nam, thành phố Trùng Khánh, một đô thị lớn ở phía Đông của tỉnh Tứ Xuyên. Tại lễ khai mạc sự kiện này, đã diễn ra lễ ký kết 39 đơn đặt hàng và đầu tư với tổng giá trị 7,2 tỷ nhân dân tệ (1,03 tỷ USD).

Theo chính quyền quận Đồng Nam, nơi này đang được chuyển đổi thành “thủ phủ chanh quốc tế” và hiện có 21.333 ha trồng chanh với sản lượng 280.000 tấn mỗi năm.

Trung bình mỗi năm, khu vực này xuất khẩu khoảng 55.000 tấn chanh, chiếm hơn 40% tổng lượng chanh xuất khẩu của Trung Quốc.

Năm 2017, quận đã công bố kế hoạch tăng gấp ba diện tích trồng trọt lên 66.666 ha vào năm 2025. Một viện nghiên cứu chanh đã được thành lập ở Đồng Nam, và một trung tâm nhân giống chanh được thành lập ở Trùng Khánh.

Sản phẩm chanh được trung bày tại Hội nghị Phát triển Công nghiệp Chanh Thế giới lần thứ hai tại huyện An Nhạc, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: PR Newswire

Nếu Đồng Nam là “thủ phủ chanh quốc tế”, thì huyện An Nhạc liền kề ở tỉnh Tứ Xuyên lại là “quê hương chanh” của Trung Quốc.

An Nhạc hiện có 32.000 ha diện tích trồng chanh với sản lượng hàng năm 600.000 tấn. Địa phương này thậm chí còn có một tuyến du lịch liên kết các khu vực trồng chanh với các khu danh lam thắng cảnh, và đang lên kế hoạch xây dựng 8 công viên giải trí chanh, 10 khu trình diễn chanh bên cạnh 5 danh lam thắng cảnh và 6 điểm du lịch nông nghiệp vào năm 2025.

Cả Đồng Nam và An Nhạc hiện đang thảo luận về việc phát triển một khu công nghiệp chanh khổng lồ của cả hai địa phương.

Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, The China Project, Hindustan Times)