Thế giới

Người dân Indonesia chật vật tìm mua dầu ăn

Với việc nguồn cung dầu hướng dương của Ukraine bị gián đoạn do xung đột với Nga, nhu cầu đối với các loại dầu khác như dầu cọ của Indonesia đã tăng vọt.

Indonesia đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt do cuộc xung đột ở Ukraine và các yếu tố khác đẩy giá dầu cọ tăng vọt.

Mỗi ngày, chị Siti Rohani chiên hàng trăm khẩu phần ăn nhẹ truyền thống của Indonesia tại quầy hàng ven đường của mình ở Medan, Bắc Sumatra. Tất cả đều là các món chiên rán, ngốn rất nhiều dầu. Do đó, chị Rohani phải dùng đến 5 lít dầu ăn mỗi ngày.

Giờ chị đang gặp vấn đề khi dầu ăn đang trở thành mặt hàng ngày càng khó tiếp cận trong bối cảnh thiếu hụt triền miên trên khắp đảo quốc này.

Các hộ gia đình trên khắp Indonesia kể từ tháng 10/2021 đã phải trải qua tình trạng thiếu dầu ăn trầm trọng. Ngay cả khi nguồn cung đã có sẵn, giá cả lại leo thang.

Chị Siti Rohani đã phải vật lộn để tìm nguồn dầu ăn cho quầy bán đồ ăn nhẹ của mình trong bối cảnh khan hiếm sản phẩm trên khắp Indonesia. Ảnh: Al Jazeera

Sau khi giá dầu cọ thô tăng vọt khiến giá dầu ăn tăng vọt hơn 50%, Chính phủ Indonesia hồi tháng 2 đã giới hạn giá một lít dầu ở mức 14.000 Rupiah (1 USD).

Để hạn chế tình trạng thiếu hụt, các nhà chức trách cũng bắt đầu giới hạn lượng dầu khách hàng được mua ở mức 2 lít dầu cho một lần mua.

"Tôi đã phải đi khắp thị trấn, từ nơi này đến nơi khác để mua thêm 1-2 lít dầu, hoặc có khi đến nơi thì dầu đã bán hết sạch", chị Rohani chia sẻ với Al Jazeera. "Điều này khiến cho mọi thứ thậm chí còn khó khăn hơn".

Việc giới hạn giá, mặc dù đã được nâng lên kể từ hồi đó, cũng mang lại một tác dụng phụ không mong muốn khác, theo ông Posman Sibuea, một giảng viên về công nghệ thực phẩm tại Đại học Công giáo Santo Thomas ở Medan.

“Thực tế là các cửa hàng bán lẻ dầu ăn không muốn bán dầu với giá thấp như vậy. Vì vậy, họ đã bắt đầu găm hàng”, ông nói với Al Jazeera.

Trong những tháng gần đây, giá dầu cọ thô ở Indonesia đã tăng tới 40%. Đây là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nơi cung cấp phần lớn dầu hướng dương của châu Âu.

Với việc nguồn cung dầu hướng dương của Ukraine bị gián đoạn do xung đột, nhu cầu đối với các loại dầu khác như dầu cọ đã tăng vọt.

Đại dịch Covid-19 kéo theo các biện pháp phong tỏa cũng ảnh hưởng đến việc thu hoạch ở các nước sản xuất dầu cọ như nước láng giềng Malaysia, khi những di dân – những người thường làm việc trên các đồn điền cọ – đã không thể nhập cảnh vào đất nước.

Vấn đề nội tại

Indonesia là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới và sản lượng ở nước này vượt xa nhu cầu trong nước.

Với việc Chính phủ yêu cầu chỉ 20% sản lượng để phục vụ thị trường trong nước, điều đó đồng nghĩa là sản lượng còn lại có thể được xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngoài ra, vấn đề còn nằm ngay trong ngành sản xuất dầu cọ của Indonesia, vốn bị chi phối bởi một số lượng nhỏ các tập đoàn.

“Vấn đề lớn với dầu cọ là phần lớn các đồn điền cọ dầu ở Indonesia chỉ thuộc sở hữu của một số ít người, có thể nhiều nhất là 20 người”, bà Uli Arta Siagian, một nhà vận động lâm nghiệp và đồn điền tại tổ chức phi lợi nhuận WALHI, nói với Al Jazeera.

“Những người này không chỉ sở hữu các đồn điền mà còn sở hữu toàn bộ cơ sở hạ tầng của ngành như nhà máy và mọi thứ khác. Vì vậy, họ có thể nắm thế độc quyền trong ngành và độc quyền về giá dầu cọ”.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Muhammad Lutfi, kiểm tra mức độ sẵn có của dầu ăn ở Jakarta hồi tháng 3/2022. Ảnh: Mongabay

Indonesia sản xuất 44,8 triệu tấn dầu cọ thô vào năm 2020, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Indonesia (BPS), 60% trong số đó được sản xuất bởi các công ty tư nhân và 34% do nông dân sản xuất. Chỉ 6% còn lại do các công ty quốc doanh sản xuất.

Trong năm 2020, Indonesia đã xuất khẩu dầu cọ trị giá hơn 18 tỷ USD, theo số liệu của BPS.

“Ở Indonesia, các nhà máy sản xuất dầu ăn thường không sản xuất dầu cọ, vì vậy họ phải mua dầu cọ từ các nhà sản xuất dầu cọ dưới dạng dầu cọ thô”, ông Sibuea cho biết.

“Các nhà sản xuất có thể bán dầu cọ với bất kỳ giá nào họ muốn, và khi giá dầu cọ tăng trên toàn cầu, các nhà máy sản xuất dầu ăn trở nên khó khăn hơn trong việc mua sản phẩm thô. Đó là một trong những vấn đề mấu chốt, mối liên hệ giữa các đồn điền dầu cọ và các nhà máy sản xuất dầu ăn”.

Hồi giữa tháng 3, Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng hơn gấp đôi mức thuế xuất khẩu tối đa đối với dầu cọ lên 375 USD/tấn như một phần của kế hoạch trợ giá và phân phối hơn 200 triệu lít sản phẩm trên toàn quốc mỗi tháng.

Hôm 5/4, các nhà chức trách đã thông báo khởi động một kế hoạch tặng các khoản tiền mặt trị giá 300.000 Rupiah (20 USD) để giúp người dân và chủ các quán ăn như chị Rohani – những người có mức thu nhập thấp hơn – trong việc mua sắm dầu ăn.

Chị Rohani cho biết, chị đã nghe về kế hoạch này nhưng không rõ về các chi tiết. “Tất nhiên, tôi muốn đăng ký nhận tiền nếu tôi đáp ứng các tiêu chí”, chị nói.

Cây cọ dầu giống ở Sumatra, Indonesia. Ảnh: Mongabay

Một số người Indonesia đã đặt câu hỏi tại sao đất nước họ lại quá phụ thuộc vào dầu ăn. Cựu Tổng thống Indonesia Megawati Soekarnoputri cũng đã rất trăn trở về điều này.

Gần đây, bà đã tổ chức một show trình diễn nấu ăn với các cách thức nấu ăn phổ biến khác như luộc, hấp và nướng, nhằm đưa ra lời khuyên về nấu ăn và dinh dưỡng.

Siagian, nhà vận động môi trường, cho biết bà đồng ý rằng Indonesia đã trở nên quá phụ thuộc vào dầu ăn.

“Nếu chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào một sản phẩm, chúng ta sẽ rất dễ bị tổn thương trước một vấn đề phức tạp như việc một lĩnh vực của nền kinh tế bị chi phối bởi các công ty tư nhân”, bà nhận định.

Minh Đức (Theo Al Jazeera)