Thế giới

Nguyên nhân Nga tăng lãi suất lần thứ năm trong năm nay?

Việc tăng lãi suất hiện tại là một phần trong chính sách tiền tệ nhằm giảm thiểu rủi ro lạm phát, đồng thời kiềm chế giá cả và chi phí thực phẩm leo thang gần đây.

Trong thông báo chính thức ngày 10/9, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết lãi suất cơ bản đã tăng từ mức 6,5% lên 6,75%. Đây ghi nhận là lần tăng thứ năm của BCR trong năm nay và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại. 

Biên độ tăng 0,25% này thấp hơn so với dự đoán 0,5% của các chuyên gia kinh tế trong một cuộc khảo sát trước đó. Được biết biên độ tăng lớn nhất trong lịch sử lãi suất cơ bản tại nước này là 1% do cuộc khủng hoảng tiền tệ hồi năm 2014.

Nguyên nhân Nga tăng lãi suất lần thứ năm trong năm nay?

Lý giải về quyết định này, Ngân hàng cho biết việc tăng lãi suất hiện tại là một phần trong chính sách tiền tệ nhằm giảm thiểu rủi ro lạm phát, đồng thời kiềm chế giá cả và chi phí thực phẩm leo thang gần đây. 

Nền kinh tế Nga đang trở lại mức trước đại dịch trong quý II năm nay. Điều mà Ngân hàng trung ương cho rằng có "tác động đáng kể" đến lạm phát khi nhu cầu bắt đầu vượt xa nguồn cung. Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhận định: "Khi không có đủ nhân lực hoặc các bộ phận cấu thành, việc kích cầu thông qua chính sách tài khóa không thể làm tăng sản lượng hoặc tiêu thụ". Vì vậy những quyết sách tiền tệ trong lúc này là vô cùng cấp thiết.

Tính đến ngày 6/9, tỉ lệ lạm phát nước này ở mức 6,74%. Lạm phát cao đang ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân, và là một trong những mối quan tâm chính của các hộ gia đình. 

Quốc kỳ Nga bay trên trụ sở Ngân hàng Trung ương ở Moscow, ngày 3/12/2018. ẢNH: REUTERS.

Khi Ngân hàng Trung ương thực hiện chính sách thắt chặt bằng cách tăng lãi suất cơ bản sẽ khiến các Ngân hàng thương mại gia tăng lãi suất cho vay kỳ hạn, từ đó làm giảm nhu cầu về tiền. Cùng với đó, người dân có xu hướng thích gửi ngân hàng để hưởng mức lãi suất cao, nhu cầu tiêu dùng thấp đi làm giảm nguy cơ tăng giá hàng hóa. Việc tăng lãi suất như vậy không những không ảnh hưởng đến lượng tiền trong lưu thông mà còn tác động tích cực lên đồng tiền quốc gia, giúp kiềm chế lạm phát ở mức thấp.

Có thể thấy rằng mức lãi suất cơ bản 6,75% và tỉ lệ lạm phát 6,74% ở Nga đang ở mức gần tương đương nhau. Nếu tỉ lệ lạm phát vượt quá mức lãi suất sẽ tác động xấu đến nền kinh tế nói chung và tiền gửi ngân hàng sẽ trở thành vô nghĩa. Vì khi đó đồng tiền mất giá nhanh hơn lãi suất được hưởng, và người tiêu dùng sẽ muốn dành tiền cho tiêu dùng nhiều hơn. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng giả định tốt nhất cho nền kinh tế của một quốc gia là mức lãi suất cao hơn một chút so với tỉ lệ lạm phát như chính sách của nước Nga hiện nay.

Chính sách tiền tệ tương tự cũng đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Mỹ La-tinh. Christine Lagarde, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu  Âu, đưa ra cảnh báo hôm thứ Năm 9/9 rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể sẽ ảnh hưởng đến lạm phát trong khu vực đồng Euro.

Kế hoạch tiền tệ tiếp theo của Nga

Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga, lạm phát sẽ bắt đầu chậm lại vào quý IV năm 2021. Với lập trường chính sách tiền tệ hiện nay, lạm phát của Nga sẽ trên đà giảm xuống để gần với mục tiêu 4% vào năm 2022.

Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, trong một cuộc họp báo. ẢNH: IMF.

Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tổ chức cuộc họp xem xét lãi suất tiếp theo vào ngày 22/10/2021. 

Theo bà Elvira Nabiullina "Ngân hàng Trung ương không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất thêm nữa trong thời gian tới, để quay trở lại mức lạm phát 4%, có thể cần nhiều hơn một lần tăng.” 

Về triển vọng tăng trưởng, bà đánh giá kinh tế Nga không chỉ nỗ lực phục hồi mà còn đang quay về quỹ đạo tăng trưởng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Một khi giai đoạn phục hồi kết thúc, nền kinh tế nước này sẽ từng bước phát triển và vươn lên mạnh mẽ.

Phạm Thu Thanh (theo The Bank of Russia website)