Giáo dục

Nguyên nhân nào khiến nạn bạo lực học đường chưa được xử lý triệt để ở Huế?

Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khiến nạn bạo lực học đường trên địa bàn vẫn chưa triệt để.

Tuần vừa qua, dư luận ở Thừa Thiên-Huế liên tục xôn xao bởi hai vụ  bạo lực học đường của nữ sinh 2 trường THCS và THPT trên địa bàn.

Khi sự việc hai nữ sinh trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP.Huế) hẹn nhau ra nơi công cộng rồi lao vào đánh nhau để phân định thắng thua chưa lắng xuống thì mới đây, sự việc nữ sinh L.T.Y.Nh, học sinh lớp 10 trường THPT Hương Trà, thị xã Hương Trà bị bạn cùng trường dùng mũ bảo hiểm đánh đến chấn động não phải nhập viện càng khiến dư luận ở Thừa Thiên-Huế bức xúc hơn về sự manh động, bạo lực của một số học sinh trên địa bàn.

Hai nữ sinh trường THCS Nguyễn Chí Diểu lao vào đánh nhau để phân định thắng thua.

Nữ sinh L.T.Y.Nh đầu chảy máu sau khi bị bạn cùng trường dùng mũ bảo hiểm đánh liên tục.

Có lẽ bởi vậy, buổi họp giao ban đầu tuần này (ngày 28/3) của sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế kéo dài qua cả giờ hành chính vẫn chưa kết thúc. Dù vậy, sau cuộc họp, đã quá 12h trưa, ông Nguyễn Tân, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn tranh thủ thông tin với PV Người Đưa Tin về quá trình xử lý vụ việc nữ sinh lớp 10 của trường THPT Hương Trà bị bạn cùng khối đánh nhập viện.

“Hôm nay vì là buổi họp giao ban cuối tháng, thêm nữa mọi người tập trung cho vấn đề bạo lực học đường xảy ra thời gian qua nên cuộc họp kéo dài hơn”, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ.

Ông Nguyễn Tân khẳng định lại quan điểm xử lý vụ bạo lực học đường của học sinh trường THPT Hương Trà với PV, sở đã chỉ đạo Hiệu trưởng  phải tập trung làm việc kỹ, xử lý nghiêm để tăng cường răn đe giáo dục học sinh. Ngoài ra, nhà trường cùng phối hợp với phụ huynh theo dõi chăm lo tốt để học sinh L.T.Y.Nh sớm được trở lại trường an toàn. Đặc biệt, tích cực hỗ trợ học sinh theo kịp chương trình sau thời gian nghỉ điều trị.

Trước việc thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ nữ sinh đánh nhau trên địa bàn, người đứng đầu sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế thẳng thắn thừa nhận, dù sở đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến tình trạng này, nhưng hiệu quả vẫn chưa triệt để.

Nói về nguyên nhân, ông Tân cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng vẫn là công tác phối hợp.

“Thời gian tới, sở sẽ sớm khẩn trương tổ chức Hội nghị liên ngành giữ Đoàn Thanh niên- Giáo dục- Công an- Sở Thông tin Truyền thông - Hội Bảo vệ quyền trẻ em- Chính quyền các địa phương …để có các biện pháp ngăn ngừa và phối hợp giáo dục hiệu quả. Trong đó thường xuyên nhất vẫn là vai trò của Ban giám hiệu và các tổ chức trong mỗi nhà trường”, Giám đốc sở GD&ĐT nói.

Ông Tân nhấn mạnh, Ban giám hiệu và các tổ chức trong mỗi nhà trường cần phải theo sát và kỹ diễn biến học sinh hàng ngày tại trường để có các biện pháp phòng ngừa từ xa như: Sớm phát hiện qua mâu thuẫn trên Facebook, trong thông tin hàng ngày, trong sinh hoạt trên lớp… Từ đó, làm việc với phụ huynh để ngăn chặn kịp thời.

Sự phối hợp giữa gia đình- nhà trường và xã hội rất quan trọng trong việc ngăn ngừa nạn bạo lực học đường.

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý-Giáo dục, Đại học Sư phạm - Đại học Huế cũng cho rằng, phụ huynh, giáo viên và nhà trường cần phải kịp thời hỗ trợ về mặt tâm lý giúp các em là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường vượt qua những sang chấn tâm lý đang ẩn chứa trong tâm hồn. Cần quan tâm nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, sớm đưa các em vào các hoạt động, gắn kết các em với tập thể lớp.

T.S Nguyễn Thanh Hùng trong một buổi chia sẻ về tâm lý học đường với các em học sinh THPT.

TS.Hùng chia sẻ, tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển khá mạnh mẽ, có nhiều thay đổi bất ngờ, các em luôn bị tác động và chi phối bởi nhiều yếu tố. Do vậy, các phòng tư vấn ở các trường cần phải phát huy hiệu quả trong công tác hỗ trợ. Giáo viên, nhà trường và cha mẹ cần quan tâm nhiều đến các em hơn, sớm nắm bắt các biểu hiện tâm lý bất thường, động viên chia sẻ tạo cho các em một không gian của sự yêu thương, gắn kết, cho các em tham gia nhiều các hoạt động có ý nghĩa như hoạt động thiện nguyện, các câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật các hoạt động thể dục thể thao, các bài học trải nghiệm về yêu chương, tinh thần trách nhiệm…

”Cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt, phải luôn giữ kênh kết nối này trong suốt quá trình học sinh học tập”, Trưởng khoa Tâm lý-Giáo dục, Đại học Sư phạm - Đại học Huế  nhấn mạnh.

Lê Kông