Thế giới

Nguyên nhân Mỹ tổ chức hội đàm với 40 quốc gia về vấn đề Ukraine

Cuộc hội đàm, được tổ chức tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, cũng chứng kiến bước ngoặt trong sự hỗ trợ Berlin dành cho Kiev trong cuộc xung đột với Moscow.

Mỹ cam kết sẽ dốc hết sức mình để giúp Ukraine giành chiến thắng trong trận chiến chống lại sự gây hấn vô cớ của Nga.

Tuyên bố của Washington được đưa ra trong cuộc hội đàm hôm 26/4 giữa các đồng minh từ 40 quốc gia, cả trong và ngoài NATO, tại căn cứ không quân Ramstein ở Tây Nam nước Đức.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết sự kiện nhằm mục đích giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột hiện tại với Nga và xây dựng khả năng phòng thủ của Ukraine trước những thách thức trong tương lai.

“Như chúng ta thấy sáng nay, các quốc gia trên khắp thế giới đoàn kết với nhau trong quyết tâm hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của đế quốc Nga.

“Ukraine rõ ràng tin rằng họ có thể giành chiến thắng và tất cả mọi người ở đây cũng vậy,” ông nói thêm.

Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự quốc tế lớn nhất cho Ukraine, và Bộ trưởng Austin cam kết Washington sẽ tiếp tục dốc sức để đáp ứng nhu cầu của Kiev.

Cuộc hội đàm không được tổ chức dưới sự bảo trợ của NATO, nhưng các thành viên của liên minh bao gồm các đồng minh châu Âu của Washington đều tham dự. Ảnh: Gazeti

Bước chuyển của Đức

Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht xác nhận, Berlin đã đồng ý tiến tới việc chuyển giao các tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard đã qua sử dụng cho Ukraine.

Việc chuyển sang cung cấp vũ khí hạng nặng đánh dấu một bước ngoặt trong sự hỗ trợ Đức dành cho Ukraine. Trước đó, Thủ tướng Olaf Scholz thường hứng chỉ trích ở cả trong và ngoài nước về vấn đề này.

Bà Lambrecht thừa nhận rằng kho vũ khí của Quân đội Đức (Bundeswehr) có hạn, nhưng cho biết sẽ lấy hàng trong kho dự trữ của các nhà sản xuất vũ khí của nước này để hỗ trợ Ukraine.

“Ukraine đặt hàng và Đức trả tiền”, Bộ trưởng Lambrecht giải thích.

Kiev đã yêu cầu trang bị pháo hạng nặng và xe tăng để đẩy lùi các lực lượng Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát hoàn toàn vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam và vùng Donbass ở miền Đông.

Nhưng các thiết bị do Nga sản xuất mà người Ukraine được huấn luyện để sử dụng hiện nay đang trở nên khan hiếm.

Một số quốc gia ở Đông Âu vẫn còn tồn kho loại này đã gửi chúng đến Kiev, đôi khi để đổi lấy thiết bị thế hệ mới hơn của Mỹ.

Tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard của Đức. Ảnh: DW

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã tổ chức một cuộc họp báo hôm 25/4 tại một nhà kho của Ba Lan với hàng tấn viện trợ nhân đạo và quân sự đã sẵn sàng được chất lên xe tải chuyển đến Ukraine.

Bên cạnh các pallet vật tư y tế là hàng trăm quả đạn pháo và tên lửa do Nga sản xuất được đóng góp bởi các quốc gia muốn giữ kín đáo về việc họ tham gia trang bị vũ khí cho Ukraine.

Bên ngoài nhà kho, 7 xe kéo lựu pháo có tầm hoạt động 30 km (18 dặm) đang chờ chuyển đi. Chúng đang đậu trước hàng trăm pallet đạn pháo được đóng gói cẩn thận và nhiều loại đạn dược khác nhau.

Nhưng nhiêu đó vẫn là chưa đủ. Washington đã thay đổi cách thức viện trợ cho Ukraine, từ việc chỉ giao những vũ khí được cho là nhằm mục đích phòng thủ, nay đã bắt đầu gửi vũ khí hạng nặng do Mỹ sản xuất, như các khẩu lựu pháo và các loại xe bọc thép khác nhau.

Mỹ đang cố gắng thu hút các quốc gia “cùng chí hướng” để tiến tới cung cấp thêm các loại đạn và pháo cho Ukraine.

Liên minh rộng lớn hơn

Nói về ý nghĩa của cuộc hội đàm Mỹ tổ chức ở Đức hôm 26/4, phóng viên Step Vaessen của Al Jazeera cho rằng, Washington “rõ ràng đang cố gắng đưa ra một tín hiệu, chủ yếu là cho châu Âu và cho cả các nước khác nữa, về hỗ trợ quân sự cho Ukraine”.

“Mỹ đang cố gắng xây dựng liên minh rộng lớn này gồm hơn 40 quốc gia, vượt ra ngoài NATO, bao gồm các quốc gia từ châu Á, châu Phi và Trung Đông”, phóng viên của Al Jazeera nhận định.

“Họ đã được mời tới đây để xây dựng liên minh rộng lớn này, không chỉ để hỗ trợ quân sự ngay lập tức cho Ukraine, điều mà Mỹ nói là thực sự cần thiết, mà còn hỗ trợ quân sự lâu dài để mang lại cho Ukraine sự đảm bảo an ninh mà theo Mỹ là Ukraine rất cần trong tương lai”, nữ phóng viên này cho biết.

“Điều quan trọng nữa là sự kiện này được tổ chức tại Đức, bởi vì Đức đã bị chỉ trích là đã không làm đủ để hỗ trợ Ukraine. Cho đến vài ngày trước, Berlin vẫn lưỡng lự chưa quyết việc gửi vũ khí hạng nặng cho Kiev. Nhưng ngay trước thềm cuộc hội đàm này, Chính phủ Liên bang cuối cùng đã chốt sẽ gửi xe tăng”.

Ngoài Đức, Pháp cũng đang cung cấp các khẩu pháo Caesar có tầm bắn 40 km (25 dặm) và Anh đã cung cấp tên lửa phòng không và xe tăng Starstreak cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht xác nhận Berlin sẽ chuyển giao các tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard đã qua sử dụng cho Ukraine. Ảnh: WSJ

Sự kiện này cũng nhằm thảo luận về vấn đề đảm bảo an ninh cho Ukraine trong dài hạn sau khi cuộc xung đột kết thúc.

“Ukraine cần sự giúp đỡ của chúng ta để giành chiến thắng ngày hôm nay và họ vẫn sẽ cần sự giúp đỡ của chúng ta khi cuộc xung đột chấm dứt”, người đứng đầu Lầu Năm Góc lưu ý.

Cuộc hội đàm này không được tổ chức dưới sự bảo trợ của NATO, nhưng các thành viên của liên minh, bao gồm các đồng minh châu Âu của Washington, đều tham dự.

Ngoài ra, sự kiện còn có sự hiện diện của các quốc gia ở xa hơn như Nhật Bản hay Úc.

Phần Lan và Thụy Điển, những quốc gia trung lập truyền thống hiện đang tìm cách gia nhập NATO sau hành động gây hấn của Nga ở Ukraine, cũng đã tham gia.

Minh Đức (Theo Al Jazeera)