Thế giới

Nguyên nhân khiến Nhật Bản "miễn nhiễm" với lạm phát

Lạm phát của Nhật Bản trong tháng 10 ở mức 0,1%, thậm chí con số ấy sẽ là âm nếu loại đi sự biến động về giá cả của thực phẩm và năng lượng.

Nỗi lo lạm phát đang bao trùm tại hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, nhưng trong số ấy không bao gồm đất nước Nhật Bản.

Dự báo lạm phát bằng 0%

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm thứ Sáu (17/12) thông báo sẽ giảm lượng mua trái phiếu doanh nghiệp xuống mức trước đại dịch. Cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục thực hiện bơm hàng chục tỷ USD vào nền kinh tế với hy vọng sẽ đạt được mục tiêu là đưa lạm phát lên mức 2% và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đại diện Ngân hàng này chia sẻ “sự không chắc chắn ở mức độ cao” vẫn tồn tại cùng với sự bùng phát biến thể Covid-19 Omicron đang lây lan tại nhiều nơi trên thế giới.

Hiện lạm phát của Nhật Bản trong tháng 10 đang ở mức 0,1%, thậm chí con số ấy sẽ là âm nếu loại đi sự biến động về giá cả của thực phẩm và năng lượng. Ngân hàng Trung ương nước này đưa ra dự báo lạm phát bằng 0% cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg.

Trong khi đó, giá cả leo thang chóng mặt đang khiến nhiều người tiêu dùng trên thế giới cảm thấy khó khăn, là vấn đề nổi cộm gây nhiều sức ép cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế ở Mỹ nói riêng và nhiều quốc gia khác nữa.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11/2021 của Mỹ đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ năm 1982. Trong thời gian đại dịch, Cục Dự trữ Liên bang (FED) và các ngân hàng trung ương khác đã tung ra một loạt các biện pháp kích thích tiền tệ tương tự như Nhật Bản nhằm hạ lãi suất, thậm chí xuống mức thấp kỷ lục trong một số trường hợp. Giờ đây, Mỹ và các nền kinh tế khác vừa phải thực thi các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát vừa phải đảm bảo không làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế.

Với mức lạm phát đạt mức cao nhất trong gần 40 năm qua, các nhà hoạch định chính sách của FED hôm thứ Tư (15/12) đã công bố thúc đẩy kế hoạch thu hẹp lượng mua trái phiếu hàng tháng nhanh gấp đôi so với kế hoạch trước đó, khả năng sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào nửa đầu năm 2022. Hôm thứ Năm (16/12), Ngân hàng Trung ương Anh cũng thông báo tăng lãi suất nhằm chống lại đà tăng lạm phát đã lên tới 5,1% tính đến tháng 11. New Zealand đã nâng lãi suất cơ bản vào tháng 10 và tháng 11, từ mức thấp kỷ lục 0,25 % lên mức 0,75 % hiện nay. Một số ngân hàng trung ương tại châu Á cũng đã bắt đầu tăng lãi suất.

Doanh nghiệp ngại... tăng giá

Trong gần một thập kỷ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ và các tài sản khác để giữ cho chi phí đi vay của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới gần bằng 0. Về mặt lý thuyết, điều này thúc đẩy người tiêu dùng và các công ty chi tiêu nhiều hơn để chống lại sự tăng giá trong tương lai. Lãi suất cơ bản (Benchmark interest rate) của Nhật Bản đã ở mức âm 0,1% trong nhiều năm.

Chi phí thuê nhà tại Nhật Bản vẫn ở mức gần như 30 năm trước, giá của hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đã tăng nhưng không nhiều như những quốc gia khác. Với mức lương gần như không đổi hoặc thậm chí là giảm trong khi thuế tăng, những người tiêu dùng của Nhật Bản có xu hướng chi tiêu thắt lưng buộc bụng.

Các hãng bán lẻ, nhà hàng và các doanh nghiệp khác Nhật Bản rất e ngại trong việc chuyển chi phí cao hơn cho người tiêu dùng vốn nhạy cảm với giá. AEON, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Nhật Bản gần đây đã thông báo về việc “đóng băng giá cả” cho đến cuối năm. Đại diện hãng AEON cho biết biện pháp đó “như một cách hỗ trợ khách hàng của chúng tôi vào thời điểm giá các mặt hàng thiết yếu hàng ngày đang tăng”.

Tốc độ tăng lương chậm và tiêu dùng yếu đã khiến lạm phát ở Nhật gần như ở mức 0%. Theo bà Mari Iwashita, nhà kinh tế trưởng tại Tập đoàn chứng khoán Daiwa Securities, “Nếu nhiều công ty bắt đầu chuyển chi phí gia tăng cho các hộ gia đình, chúng ta có thể chứng kiến lạm phát tiêu dùng cốt lõi vượt quá 1,5% trong năm tới”. 

Nhân viên tại nhà máy Hamamatsu Gasket Co, ở tỉnh Shizuoka, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg.

Nhưng vốn là quốc gia nhập khẩu lớn những hàng hóa mà họ tiêu thụ, Nhật Bản không thể hoàn toàn tránh khỏi những tác động từ sự gia tăng giá trên toàn cầu. Lạm phát giá bán buôn nước này vào tháng 10 lên tới 8%, mức cao nhất trong vòng 40. Các nhà sản xuất và nông dân đang chịu sức ép lớn từ việc chi phí gia tăng, đặc biệt là nhiên liệu. Một số hãng thực phẩm cũng đã công bố kế hoạch tăng giá trong năm tới, để bù đắp cho chi phí nhập khẩu cao hơn của lúa mì, khoai tây và các mặt hàng khác.

Chuyên gia kinh tế Tom Learmouth của Công ty nghiên cứu Capital Economics cho biết giá xe ô tô đã tăng cao trong khi các nhà sản xuất ô tô buộc phải giảm sản lượng do thiếu linh kiện. Ông dự báo lạm phát Nhật Bản sẽ đạt mức cao nhất 1,3% trong năm tới nhưng sau đó giảm trở lại.

Ông Sayuri Shirai, giáo sư tại Đại học Keio của Tokyo và là cựu thành viên hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết: “Lạm phát Nhật Bản vẫn ở mức thấp” và bày tỏ hy vọng lạm phát sẽ tăng lên phần nào. Ông nói: “Nhưng rất khó để chứng kiến lạm phát 2%”, “Sự tiêu dùng của Nhật Bản vẫn yếu và các công ty không thể chuyển toàn bộ các chi phí vào giá bán lẻ”.

Marcel Thieliant, nhà kinh tế học cấp cao tại Công ty nghiên cứu Capital Economics, cho biết khả năng Nhật Bản sớm đạt được mục tiêu lạm phát 2% vẫn rất “mong mạnh”. Ông nói: “Kết quả là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ vẫn nằm trong số ít các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ không thực hiện chính sách thắt chặt kinh tế trong tương lai gần”.

Hà Thanh (theo AP)