An ninh - Hình sự

Nguyên nhân ban đầu vụ hai vợ chồng tử vong trong căn nhà khóa trái cửa

Khi mọi người phá cửa vào được bên trong phòng thì phát hiện vợ chồng anh T. đã bị lửa thiêu cháy dẫn đến tử vong. Cơ quan công an đã vào cuộc để làm rõ nguyên nhân dẫn đến hai cái chết thương tâm.

Các nạn nhân được xác định là anh N.M.T.N. (SN 1982) và vợ là chị N.T.H. (SN 1985), trú Đào Duy Từ, phường Đông Ba, TP.Huế.

Theo cơ quan điều tra, trước đó, vào khoảng 18h ngày 3/8, hàng xóm thấy giữa anh T. và chị H. xảy ra cãi vã với nhau, anh T. đã kéo chị H. vào phòng riêng của hai vợ chồng sau nhà. Đến khoảng 19h30 cùng ngày, người nhà phát hiện trong phòng bị cháy và hô hoán dập lửa, đồng thời báo tin cho cơ quan chức năng.

Nhận được tin báo, lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng người dân dập tắt đám cháy. Tại hiện trường phát hiện hai thi thể là anh T. và chị H.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được và kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định do mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng dẫn đến anh T. đã có hành vi xô xát với chị H., sau đó dùng xăng tự thiêu.

Theo thông tin gia đình cung cấp, trước đó, trong thời gian chung sống, hai người cũng thường xảy ra nhiều mâu thuẫn, cãi vã, anh T. có thời gian sử dụng ma túy dạng đá, bồ đà và hay đánh đập vợ.

Được biết, giữa anh T. và chị H. đã có 3 người con, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn.

 

Án mạng gia đình, làm sao ngăn chặn, phòng ngừa?
 
Phần lớn, những vụ án mạng đau lòng xảy ra đều xuất phát sự lệch lạc về nhận thức, lối sống và quan điểm sống sai lầm; hoặc do tranh chấp, mâu thuẫn về quyền lợi, cụ thể ở đây là tiền bạc, phân chia tài sản không hợp lý cũng dẫn đến sự thiếu kiềm chế trong hành động. Hậu quả của những vụ việc mâu thuẫn gia đình thường rất lớn, là do những xung đột bị tích tụ, dồn nén lâu ngày, khi có điều kiện sẽ dẫn đến những hành vi nguy hiểm.
 
Mâu thuẫn trong gia đình không phải không có cách giải quyết nếu như những thành viên trong gia đình ngồi lại cùng tìm cách xử lý một cách khéo léo, nhân văn.
 
Dưới góc độ tâm lý, Nhà xã hội học Trịnh Hoà Bình cho rằng: "Khi vợ chồng khúc mắc thì cố gắng chủ động đối thoại để tâm lý không bị đẩy tới đỉnh điểm. Không nên để cho sự việc nó tích tụ cộng dồn, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Nếu không may xảy ra xung đột thì phải phòng ngừa các tình huống xấu. Trước hết là không đứng gần những vật dụng cứng, nhọn (là những thứ có khả năng gây sát thương).
 
Trong trường hợp một trong hai bên không muốn giữ lại gia đình vì quá ngột ngạt, muốn buông tay thì cũng là một hình thức kích thích sự hận thù, hằn học của người còn lại. Trong hoàn cảnh như vậy thì rất cần những người thân có cái nhìn sáng suốt, tỉnh táo để khuyên nhủ, để cho người còn lại hiểu bản chất vấn đề.
 
Khi vợ chồng thường xuyên xung đột không nên âm thầm chịu đựng, đừng mang tâm lý xấu hổ kiểu "xấu chàng hổ ai", bởi như thế là tự đẩy mình đến tình huống bất lợi. Thông thường tâm lý chung của phụ nữ là nếu cảm thấy còn che giấu được chuyện vợ chồng lục đục thì sẽ cố che giấu đến cùng. Cực chẳng đã người ta mới ra tới chính quyền để xin bảo vệ quyền lợi và tính mạng mình. Tuy nhiên, theo tôi nếu ngại tới chính quyền thì trước tiên phải báo cho người thân biết để phòng những tình huống xấu, sau đó có thể báo tới các hội đoàn như Hội phụ nữ để họ có những tác động kịp thời, tránh xảy ra những vụ việc đau lòng, đáng tiếc.