Kinh tế vĩ mô

Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm bị chậm

Hết quý I/2023, có 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 9%, trong đó có 30 cơ quan chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 2746 báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 2 tháng, ước thực hiện 3 tháng kế hoạch năm 2023.

Cụ thể, ước thanh toán từ đầu năm đến 31/3 là 73.192 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỉ lệ giải ngân đạt 10,35%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 11,88%.

Theo đó, vốn trong nước là 72.231 tỷ đồng, đạt 9,93% kế hoạch và đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia là 2.052 tỷ đồng, đạt 8,47% kế hoạch. Vốn nước ngoài là 960,843 tỷ đồng, đạt 3,43% kế hoạch.

Một số địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang tỉ lệ 31,1%, Bến Tre tỉ lệ 30,05%, Điện Biên tỉ lệ 24,67%, Đồng Tháp tỉ lệ 22,93%, Lâm Đồng tỉ lệ 20,78%.

Có 2 bộ và 15 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 15%. Có 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 9%, trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Theo báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tỉ lệ giải ngân ước 3 tháng đầu năm chưa cao là do hiện nay các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án.

Do đó, việc đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Ngoài ra, một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.

Đối với vốn nước ngoài, dự án chưa tháo gỡ được khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện. 

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 sang năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện ngay từ những tháng đầu năm.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, cần khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước, bao gồm Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.

Đặc biệt, phải quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà thầu, triển khai thực hiện các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 31 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 và công điện số 123 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023.

Đồng thời, có các giải pháp tháo gỡ đảm bảo đủ nguồn cung cấp vật liệu phục vụ cho các công trình dự án giao thông trọng điểm.