Chính sách

Nguyên nhân chính nào gây thâm hụt ngân sách?

ĐBQH Mai Hoa cho rằng: “Ngân sách đã bị sử dụng một cách lãng phí. Lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền chùa. Lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích hoặc bệnh hình thức. Do vậy, cần làm rõ nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân sách là do đâu.

Nghịch lý khiến ngân sách Nhà nước khó bền vững

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, có khá nhiều nghịch lý đã và đang đặt ra khiến cho ngân sách Nhà nước khó bền vững. Tốc độ tăng chi cân đối ngân sách Nhà nước trung bình lớn hơn tốc độ tăng thu cân đối ngân sách Nhà nước trung bình. Hay là tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn thu thường xuyên. Chi thường xuyên tăng trong lúc chi đầu tư giảm.

“Do vậy Chính phủ cần làm rõ những tồn tại chính trong cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước, làm rõ nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân sách do đâu. Tại sao những bất cập trong chi tiêu công đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay nhưng chậm được khắc phục và vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao? Đây là một trong những nguyên nhân gây thâm hụt ngân sách Nhà nước”, ĐBQH Hoa nói.

Xem thêm>>>

Quyết định xây nhà hát 1.500 tỷ: Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm "phản pháo"

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị làm rõ nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân sách Nhà nước.

ĐBQH Mai Hoa cũng cho rằng: “Ngân sách đã bị sử dụng một cách lãng phí. Lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền chùa. Lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích hoặc bệnh hình thức, chẳng hạn như tổ chức rất nhiều sự kiện, những lễ kỉ niệm, những lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang và xây dựng các trụ sở nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh”.

Vị ĐBQH đoàn Đồng Tháp cũng chỉ rõ, cách đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách hiện nay đang có vấn đề. Chủ yếu đang đánh giá dựa trên tỷ lệ giải ngân và khi cần tiết kiệm thì thực ra chỉ là cắt giảm hoạt động một cách cơ học.

Trong khi lẽ ra, hiệu quả đầu tư phải được đánh giá qua sản phẩm thu được từ tiền ngân sách như thế nào. Một cuộc hội thảo được tổ chức hiện nay đang được đánh giá hiệu quả thông qua việc quy mô, số lượng đại biểu và thành phần tham dự như thế nào, kinh phí hội trường, kinh phí hỗ trợ cho việc đi lại, ăn nghỉ đang rất lớn.

“Theo tôi cần phải đánh giá thông qua sản phẩm được nghiệm thu của hội thảo đó. Đó là những bài tham luận có giá trị, là những kiến nghị, đề xuất quan trọng thông qua hội thảo. Tôi nghĩ là cần phải nghiên cứu cách đánh giá hiệu quả đầu tư”, bà Hoa nhấn mạnh.

Giải ngân vốn chậm, trách nhiệm Trung ương, địa phương ở đâu?

Từ thực tiễn đó, ĐBQH đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong quản lý ngân sách. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giao tự chủ gắn trách nhiệm giải trình, khoán chi gắn với cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ.

“Đối với vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, tôi đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ vướng mắc nào liên quan đến các quy định của luật Đầu tư công, vướng mắc nào nằm ở các nghị định, vướng mắc nào nằm ở khâu tổ chức thực hiện và trong khâu tổ chức thực hiện thì trách nhiệm của Trung ương ở đâu, trách nhiệm của địa phương ở đâu?”, ĐBQH Hoa thẳng thắn nói.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, ĐBQH đề nghị phải tuân thủ triệt để khung kế hoạch tài chính ngân sách tương ứng để bảo đảm kiểm soát chi đầu tư công trong giới hạn cho phép, giải quyết dứt điểm nguồn ứng trước ngân sách của các ngành, các cấp để hạn chế nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Để việc bổ sung ngân sách dự phòng một cách hợp lý và hiệu quả, đề nghị Chính phủ tập trung ưu tiên đối với những dự án đã có trong danh mục nhưng hiện đang thiếu vốn, ưu tiên cho những chính sách an sinh. Ví dụ, như các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hoặc là các dự án ứng phó thiên tai ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung…

Xem thêm>>>

ĐBQH "phàn nàn" có việc chất vấn nhiều lần nhưng kết quả không chuyển biến

Các Bộ không nắm rõ về ngân sách cho giáo dục

Bà cũng chỉ rõ, việc vận hành tài chính cho giáo dục còn nhiều bất cập. Cụ thể:

Về cơ chế quản lý ngân sách dành cho giáo dục, đào tào được phân cấp mạnh theo chiều dọc, cho các địa phương và theo chiều ngang cho các bộ, ngành nhưng dường như đang thiếu một cơ chế giám sát hiệu quả. Trong tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục thì ngân sách địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng chiếm tỷ trọng khoảng 89%, ngân sách do các bộ, ngành trung ương quản lý, sử dụng là 11%, trong đó bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trực tiếp quản lý, sử dụng khoảng gần 5%.

Đặc biệt, đối với nguồn cân đối từ ngân sách địa phương dành cho giáo dục thì hiện đang thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ Tài chính không nắm được, bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Chính phủ trong việc giao tổng số vốn cho các địa phương không giao chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực. Như vậy, cơ quan nào sẽ tổng hợp chi đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề trong toàn quốc? Cơ quan nào sẽ nắm được dòng tiền 20% ngân sách dành cho giáo dục, đào tạo được cơ cấu và vận hành như thế nào và hiệu quả sử dụng hiện nay thì ra sao?

“Tôi đề nghị cần xây dựng một cơ chế quản lý ngân sách theo ngành và xác định rõ trách nhiệm của bộ chủ quản trong việc tham gia vào quá trình xây dựng ngân sách định kỳ cũng như quản lý và sử dụng ngân sách dành cho giáo dục ở cả trung ương và địa phương”, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Xem thêm>>>

Cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành chậm tiến độ: Bộ trưởng GTVT nói “đúng quy trình”