Góc nhìn luật gia

Nguyên điều tra viên cao cấp mổ xẻ dấu hiệu phạm tội vụ sản phụ bị lái xe “đuổi” xuống đường, bé trai tử vong

Liên quan vụ sản phụ bị tài xế “đuổi” xuống đường, bé trai tử vong ngay sau khi lọt lòng mẹ, theo chuyên gia pháp lý, lái xe có dấu hiệu vi phạm pháp luật và cần xử lý nghiêm để mang tính chất răn đe.

Công an huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đang xác minh làm rõ vụ việc một thai phụ bị bỏ rơi giữa đường khiến trẻ sơ sinh tử vong.

Theo thông tin ban đầu được biết, sản phụ V.T.Y. mang thai được hơn 7 tháng. Ngày 17/8, chị Y. đau bụng dữ dội nên gia đình đã gọi một nhà xe chở chị đi bệnh viện.

Khi đến trạm y tế xã Thống Nhất (cách nhà chị Y. hơn 10km), do thiếu trang thiết bị, máy móc hỗ trợ sinh và thấy nguy hiểm cho tính mạng của mẹ con chị Y. nên các bác sĩ yêu cầu chuyển chị Y. lên tuyến trên gấp.

Trên đường đi, khi thấy sức khoẻ sản phụ có nhiều điểm bất thường, nam tài xế đã “đuổi” người nhà và sản phụ xuống xe. Sau đó, chị Y. sinh con giữa đường và cháu bé đã tử vong. Hành vi của tài xế khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, mong muốn cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm.

Xung quanh vụ việc trên, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp của Công an TP.Hà Nội phân tích: “Vụ việc này cần phải được nghiên cứu hồ sơ cụ thể, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh, làm rõ.

Tuy nhiên, theo tôi, về mặt pháp lý trong vụ việc này thì có 2 tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất, người lái xe có dấu hiệu của hành vi làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp.

Tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp” ở đây được hiểu rằng người lái xe nhận chở khách tức là làm dịch vụ vận chuyển hành khách, có thể coi là dạng xe hợp đồng.

Theo quy định về vận chuyển hành khách thì lái xe phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho hành khách.

Thế nhưng, ở đây người lái xe đã không thực hiện theo quy tắc nghề nghiệp như thế. Lái xe biết rằng sản phụ đang nguy hiểm trong quá trình chuyển dạ nhưng vẫn cố tình vi phạm đạo đức của người lái xe, vi phạm quy tắc vận chuyển hành khách, vẫn để sản phụ xuống đường dẫn đến hậu quả chết người. Như vậy là có hành vi làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”.

Sản phụ V.T.Y. bị lái xe bỏ rơi giữa đường.

Bên cạnh đó, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng cũng cho biết thêm: “Ngoài dấu hiệu người lái xe có thể vi phạm tội danh trên thì tùy theo tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, thậm chí tài xế còn có thể có dấu hiệu phạm tội giết người do lỗi cố ý gián tiếp”.

Vị Thượng tá phân tích: “Bởi vì, người lái xe buộc phải biết rằng khi để một phụ nữ sắp sinh xuống đường ở nơi vắng vẻ như thế, không có người chăm sóc y tế thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của sản phụ và thai nhi nếu như cháu bé được sinh ra tại đó.

Thế nhưng người lái xe vẫn buộc người ta xuống đường! Mặc dù có thể lái xe không mong muốn cho sản phụ hoặc thai nhi tử vong nhưng ý thức của lái xe là bỏ mặc cho hậu quả có thể xảy ra.

Trong trường hợp này, theo quy định của luật, hậu quả xảy ra đến đâu thì lái xe phải chịu trách nhiệm đến đó. Nếu sản phụ và thai nhi bị ảnh hưởng về sức khỏe thì người lái xe sẽ bị xử lý về hành vi gây thiệt hại đến sức khỏe cho nạn nhân với lỗi cố ý gián tiếp.

Còn nếu như có hậu quả chết người lái xe phải chịu trách nhiệm về hành vi giết người do lỗi cố ý gián tiếp. Dù không mong muốn người ta có hậu quả chết người nhưng mà bỏ mặc cho hậu quả chết người đó xảy ra thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Nguyên điều tra viên cao cấp nhấn mạnh: “Tôi tin rằng các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét, làm rõ và xử lý một cách nghiêm minh đối với tài xế để mang tính chất răn đe, tránh những trường hợp đau lòng tưng tự xảy ra”.

Trước băn khoăn của dư luận về hành vi của tài xế có thể phạm tội Vô ý làm chết người, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nêu quan điểm: “Trong trường hợp này không phải là lỗi chỉ đơn thuần Vô ý làm chết người, bởi vì vô ý phải là người đó không nhận biết được hậu quả và tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra. Nhưng ở đây, bắt buộc tài xế phải biết hậu quả nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.

Vô ý có 2 trường hợp. Thứ nhất là do người ta cẩu thả, đáng ra là việc phải làm nhưng người đó lại không làm. Hoặc là vô ý vì quá tự tin, người đó tự tin rằng mình sẽ làm được nhưng cuối cùng lại không làm được và gây ra hậu quả.

Ở đây, lái xe cố tình thực hiện hành vi buộc sản phụ vào tình huống nguy hiểm dẫn đến hậu quả chết người, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp có mức hình phạt cao hơn tội Vô ý làm chết người”.