Sức khỏe

Nguy hiểm khôn lường đến từ căn bệnh sán lợn khiến 400 phụ huynh Bắc Ninh đưa con đi xét nghiệm

Vụ việc 400 em học sinh của Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương để xét nghiệm sán dây lợn dấy lên những câu hỏi về an toàn thực phẩm và sức khỏe trẻ em.

Các y bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới TƯ đang lấy mấu xét nghiệm cho các bé mầm non ở Thuận Thành, Bắc Ninh (ảnh: Tuổi trẻ thủ đô).

Ngày 12/3, một phụ huynh có con đang học tại trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) thấy con bị sốt, quấy khóc, đã cho bé đi khám và kết quả xét nghiệm là dương tính với sán lợn.

Đến chiều 15/3, 400 phụ huynh đã đưa con em học tại trường mầm non nói trên đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương xét nghiệm và kiểm tra. Kết quả cho thấy 57 trường hợp dương tính với sán lợn, chưa kể một số trường hợp khác đã được xét nghiệm những ngày trước.

Bệnh sán dây lợn (sán lợn) là gì?

Các ấu trùng hình hạt gạo trong thịt lợn (ảnh minh họa).

Giải thích về căn bệnh này, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, có thể lây do nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín.

Biểu hiện của thịt lợn gạo (lợn nhiễm ấu trùng Taenia solium) là trong thịt những bọc màu trắng đục, đó chính là nang sán, bên trong có chứa đầu sán và chất dịch, kích thước nang to như hạt gạo.

Nguyên nhân mắc sán dải lợn thường là qua đường ăn uống thực phẩm có nhiễm ấu trùng Taenia solium. Trứng sán theo đường tiêu hóa vào máu đi chu du khắp cơ thể và gây bệnh tại những nơi chúng trú lại.

Các triệu chứng khi mắc phải

Khi mắc sán thời kỳ đầu người bệnh có thể bị cảm giác chán ăn, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nhưng phần lớn lại diễn ra âm thầm, lặng lẽ với các triệu chứng mờ nhạt.

Người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,…

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau.

Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Trường hợp bệnh sán trưởng thành ở ruột, người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2-12m, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm. Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ.

Mắc phải sán lợn có điều trị được không?

Đây không phải bệnh cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết, cần thời gian điều trị và chắc chắn bệnh sẽ khỏi nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi có rất nhiều phác đồ điều trị, có thể diệt sán trưởng thành chỉ mất một ngày, còn diệt cả ấu trùng mất khoảng nửa tháng. Phụ huynh chỉ cần lấy thuốc về cho con uống, không nhất thiết phải nhập viện. Cha mẹ nên cho con đi học bình thường, tránh ảnh hưởng học tập của trẻ. Bệnh nhiễm sán lợn hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm”.

Nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi. Thuốc điều trị bệnh và ấu trùng bệnh sán dây lợn là Praziquantel, Niclosamide và Albendazole.

Phòng tránh sán lợn bằng cách nào?

Các bậc phụ huynh nên thực hiện chủ động phòng bệnh để bảo vệ gia đình và các con.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Mẫu sán dây thu hồi tại Phòng khám bệnh Chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM.

Bá Di (Tổng hợp)