Cuộc sống số

Nguy hại bủa vây người dùng khi xuất hiện ứng dụng FaceApp giả mạo

Ứng dụng giả mạo FaceApp được tạo ra để đánh lừa người dùng, khiến họ nghĩ rằng đây là phiên bản chính thức của FaceApp. Trên thực tế, ứng dụng giả mạo này khiến thiết bị di động của nạn nhân bị nhiễm mã độc với mô-đun phần mềm quảng cáo mang tên MobiDash.

Theo Vietnamnet, mới đây, các chuyên gia từ Kaspersky đã phát hiện một ứng dụng FaceApp giả mạo được sử dụng để tiêm mã độc vào thiết bị của người dùng.

Ứng dụng giả mạo này được tạo ra để đánh lừa người dùng, khiến họ nghĩ rằng đây là phiên bản chính thức của FaceApp. Trên thực tế, ứng dụng giả mạo này khiến thiết bị di động của nạn nhân bị nhiễm mã độc với mô-đun phần mềm quảng cáo mang tên MobiDash.

Khi ứng dụng từ những nguồn không chính thức được tải xuống cài đặt, chúng sẽ báo lỗi giả và được gỡ bỏ ngay sau đó. Tiếp theo, một mô-đun độc hại trong ứng dụng sẽ được cài cắm kín đáo và bắt đầu hiển thị quảng cáo trên thiết bị của người dùng.

FaceApp giả mạo được sử dụng để tiêm mã độc vào thiết bị của người dùng.

Theo dữ liệu của Kaspersky, khoảng 500 người dùng đã gặp sự cố này chỉ trong hai ngày. Kể từ 7/7/2019, gần 800 mô-đun khác nhau đã được xác định.

Ông Igor Golovin, nhà nghiên cứu bảo mật tại Kaspersky cho biết: "Những người đứng sau MobiDash thường ẩn mô-đun phần mềm quảng cáo của họ dưới vỏ bọc những ứng dụng và dịch vụ phổ biến”.

“Các hoạt động của FaceApp giả mạo đang diễn ra mạnh mẽ với hàng trăm mục tiêu tấn công chỉ trong vài ngày. Người dùng không nên tải xuống các ứng dụng từ những nguồn không chính thức, đồng thời nên cài đặt các giải pháp bảo mật trên thiết bị của mình để tránh mọi thiệt hại do mã độc gây ra", ông Igor Golovin nói.

Vnexpress cho hay FaceApp được phát triển bởi một doanh nghiệp công nghệ thông tin ở Nga. Tuy nhiên, thông tin về công ty và các lãnh đạo đứng đằng sau lại rất hạn chế.

Theo điều khoản dịch vụ ứng dụng, FaceApp được điều hành bởi Wireless Lab OOO, trụ sở tại St. Petersburg (Nga). Nó cũng có một chi nhánh khác ở Delaware (Mỹ), theo Washington Post. Yaroslav Goncharov là "cha đẻ" của FaceApp. Theo hồ sơ LinkedIn, ông là CEO của FaceApp từ năm 2014, nhưng hình ảnh và thông tin về người này trên Internet rất ít.

Tuy nhiên, thông tin về ứng dụng này lại không thống nhất trên các nền tảng hệ điều hành. iOS ghi nhận thời gian ra mắt là tháng 1/2017, trong khi Android là tháng 2/2017. Một số dự đoán cho rằng thực tế ứng dụng có từ 2014 nhưng đến 2017 mới công bố, hoặc khi đó mới nhiều người biết tới.

FaceApp là ứng dụng miễn phí số một trong cả App Store của Apple lẫn Play Store của Google, hiện có hơn 80 triệu người dùng từ khắp nơi trên thế giới và đang tiếp tục tăng mạnh. Theo công ty phân tích ứng dụng Apptopia, phiên bản Android của ứng dụng này kiếm hơn 19.000 USD mỗi ngày, còn phiên bản iOS thu về hơn 70.000 USD ngày, khoảng 42% trong số đó ở Mỹ.

Đào Vũ (Tổng hợp)