Sự kiện

Nguy cơ tử vong khi tự chữa sốt xuất huyết tại nhà

Sốt xuất huyết theo quan niệm của nhiều người chỉ là sốt đơn thuần và uống thuốc hạ sốt thì sẽ khỏi. Vì vậy, gần đây liên tục xuất hiện những ca tử vong do sốt xuất huyết mà phần lớn người bệnh tự ý dùng thuốc và chữa tại nhà.

Ngày 1/9 vừa qua, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã ghi nhận trường hợp một nam bệnh nhân 57 tuổi nhập viện trong trạng thái sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tử vong do sốt xuất huyết và tự mua Paracetamol về uống dẫn đến ngộ độc thuốc. Trước đó, theo thông tin từ trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, trong suốt hơn 1 tuần mắc bệnh, người này đã có những biểu hiện như run, sốt, mệt mỏi. Song, thay vì đến bệnh viện để được thăm khám và mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nam bệnh nhân này lại tự uống thuốc và chữa trị tại nhà nên mới đẫn đến hậu quả đau thương trên.

Trước thông tin liên quan đến việc người bị sốt xuất huyết tự ý mua thuốc chữa tại nhà, trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, bác sĩ Quế Anh Trâm, Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, bệnh viện đa khoa Nghệ An cho rằng việc tự ý chữa sốt xuất huyết tồn tại nhiều nguy hiểm.

Bác sĩ Quế Anh Trâm.

Cụ thể, việc tự truyền dịch hay dùng thuốc tại nhà sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Người bệnh không có những kiến thức chuyên sâu nên việc tìm ra phác đồ điều trị cho bản thân không thể đạt được hiệu quả như các bác sĩ hay điều dưỡng chuyên khoa tại bệnh viện. “Người bệnh phải được xét nghiệm để biết cụ thể bệnh tình của mình. Từ đó, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh để đưa ra phương hướng điều trị đúng nhất”, bác sĩ Trâm nói.

Đối với những trường hợp bệnh nhân không thể đến các cơ sở y tế, vẫn có thể sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Tuy nhiên, vẫn cần có kết quả xét nghiệm cụ thể cùng tình trạng bệnh của bản thân để bác sĩ có cơ sở chẩn đoán bệnh.

Chia sẻ thêm với PV, bác sĩ Trâm cho biết giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường sẽ rơi vào ngày thứ tư đến ngày thứ bảy với những biểu hiện như: nôn, đau bụng, lạnh tay chân, xuất huyết…

“Khi chuyển sang giai đoạn nguy hiểm hơn, thường người bệnh sẽ hết sốt. Điều này dễ dẫn đến tâm lý chủ quan rằng đã khỏi bệnh, không để ý đến những triệu chứng sau đó và gây ra tình trạng tử vong”, bác sĩ Trâm cho hay.

Trên phương diện lý thuyết, cũng có những trường hợp bệnh nhân tự khỏi bệnh và không cần điều trị nội trú. Lúc này, bác sĩ sẽ có trách nhiệm thông báo cho gia đình bệnh nhân cách phòng tránh sự phát triển của bệnh như chủ động uống nhiều nước, uống oresol…

Bệnh nhân khi có dấu hiệu sốt, mệt mỏi cần đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Nói về thời điểm bùng phát dịch sốt xuất huyết, theo bác sĩ Trâm ở miền Bắc thường xảy ra vào mùa mưa và các tháng hè. Còn mùa đông khả năng mắc bệnh sẽ thấp hơn do nhiệt độ hạ thấp, thời tiết lạnh. Còn ở miền Nam thường là quanh năm do khí hậu nóng ẩm, mùa mưa xuất hiện thường xuyên.

Cũng theo vị bác sĩ này, dịch sốt xuất huyết không còn là vấn đề mới nhưng vì yếu tố môi trường thay đổi, sự phát triển của muỗi cũng xảy ra nhanh hơn nên dịch sốt xuất huyết không còn theo quy trình cụ thể nào. Vì lý do này mà nhiều người bệnh chủ quan, không nghĩ mình bị mắc bệnh nên mới dẫn đến tình trạng những ca tử vong vì sốt xuất huyết tăng lên đáng kể những năm gần đây.

Nói về việc người dân nhầm lẫn giữa dịch Covid-19 và sốt xuất huyết, ông Trâm khẳng định vấn đề này còn tồn tại là do chưa có sự trang bị kiến thức đầy đủ. “Dịch Covid-19 sẽ kéo theo cả viêm đường hô hấp cấp, còn sốt xuất huyết thường là do muỗi gây ra, đến một giai đoạn nhất định người bệnh sẽ xảy ra tình trạng xuất huyết. Cơ bản hai bệnh này không giống nhau”, ông Trâm cho hay.

Bác sĩ Trâm cũng khuyến cáo: “Bệnh nhân khi có bất kỳ triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, cần đến bệnh viện để được kiểm tra, theo dõi. Từ đó, dễ dàng chẩn đoán bệnh một cách chính xác”. Bác sĩ cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không nên tự chữa bệnh tại nhà hay dễ dàng tin vào lời quảng cáo mua những loại thuốc trôi nổi trên mạng.

 

Theo thông tin từ cục Y tế dự phòng, bộ Y tế cho biết tính đến hết tháng 8/2020, Hà Nội ghi nhận 1.360 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó tuần gần nhất có 29 ca, trong khi cùng kỳ 2019 có đến trên 5.100 ca bệnh, trong tuần gần nhất của cùng kỳ có trên 860 ca mắc. Đáng chú ý là Hà Nội đã có 2 ca tử vong (2 bệnh nhân nam 17 tuổi và 57 tuổi) do vào bệnh viện muộn, chủ quan, tự dùng thuốc.

Lê Trà