Thế giới

Nguồn tài chính dồi dào bất chấp đại dịch của đại học giàu nhất thế giới

Đại học Harvard vẫn vững vàng trước những tác động của đại dịch, với các chương trình học tập và nguồn tài chính ổn định, đặc biệt là nhờ vào đòn bẩy tài trợ .

Báo cáo của Đại học Harvard cho năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2021 được công bố ngày 15/10 mới đây cho thấy kết quả khả quan hơn nhiều so với dự kiến.

Nguồn tài chính dồi dào càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh những làn sóng tấn công của đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, khiến Đại học này buộc phải gửi sinh viên về nước từ tháng 3/2020 và triển khai hoạt động giảng dạy học tập từ xa kéo dài hơn một năm.

Một số điểm nổi bật trong báo cáo tài chính

Giá trị của các khoản tài trợ ghi nhận 53,2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ. Công ty Quản lý Harvard (HMC) ghi nhận 33,6% tỉ suất lợi nhuận đầu tư trên tổng tài sản tài trợ trong năm tài chính 2021, tăng từ 7,3% so với năm trước. Đó là mức ghi nhận nổi bật kể từ mức 43,6% đạt được vào năm tài chính 1983 (thời kỳ lãi suất sụt giảm và phục hồi hậu suy thoái) và 32,2% vào năm tài chính 2000 (thời kỳ bùng nổ các công ty kinh doanh sử dụng internet là nền tảng chính ). 

Lợi nhuận đầu tư tài trợ trong năm — lợi nhuận ròng thực hiện và chưa thực hiện - ghi nhận con số đáng nổi bật là 12,8 tỷ USD. Số tiền đó đã vượt xa con số 9,6 tỷ đô của năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2018.

Harvard kết thúc năm tài chính với thặng dư hoạt động là 283 triệu USD, tốt hơn nhiều so với dự đoán đưa ra từ mùa xuân rằng mặc dù số lượng tuyển sinh giảm và doanh thu giảm liên tiếp hai năm, trường có thể sẽ hòa vốn. 

Sinh viên tuân thủ quy định đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách tại Đại học Havard vào tháng 9/2021. Ảnh: The Harvard Crimson.

Nguồn tài trợ khổng lồ

Hoạt động tài trợ vào Đại học Harvard đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ bất chấp những tác động của đại dịch trong năm tài chính 2021. Nhưng sự phụ thuộc ngày càng tăng của Harvard vào tài trợ khiến việc thực hiện chiến lược đầu tư bị thiết lập trong những rào cản. Trên thực tế, phần lớn nguồn tiền tài trợ khổng lồ này đến từ các cá nhân. Do đó hầu hết số tiền trên bị hạn chế về mục đích sử dụng, tập trung tài trợ cho các dự án hoặc lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Chỉ có từ 5 đến 5,5% số tiền này được sử dụng cho hoạt động thực tế của Đại học Harvard trong năm học 2020-2021.

Và mặc dù sự vai trò của các nhà tài trợ có ý nghĩa rất quan trọng và vượt quá sự mong đợi trong thời điểm khó khăn của đại dịch, nhưng nguồn tài chính này dễ bị thay đổi tùy thuộc vào điều kiện thị trường và chiến lược đầu tư.

Theo ông Narvekar, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý Harvard (HMC), lợi nhuận sẽ còn cao hơn nhiều nếu Harvard đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn mà nguồn tài trợ không tạo ra những loại lợi nhuận này hàng năm. Nhận định về báo cáo tài chính trong những năm qua, ông Narvekar cho rằng Harvard đã ít rủi ro hơn trong danh mục đầu tư của mình so với nhiều trường khác. Ông nói “Với tình hình hoạt động đặc biệt của thị trường trong năm qua, mức độ rủi ro danh mục đầu tư cao hơn có ý nghĩa sẽ làm tăng đáng kể lợi nhuận của HMC”.

Lối đi trong trường Đại học Harvard. Ảnh: The Harvard Crimson.

Ngôi trường đại học danh giá Harvard vẫn vững vàng trước những tác động to lớn của đại dịch Covid-19, với các chương trình học tập và nguồn tài chính ổn định, đặc biệt là nhờ vào đòn bẩy tài trợ trong bảng cân đối kế toán. Những tín hiệu tích cực từ báo cáo tài chính cho thấy một Harvard, vốn đã là trường đại học giàu có nhất thế giới, có thể vươn lên hơn nữa trong nền giáo dục nghiên cứu, tùy thuộc vào chính sách phân bổ nguồn nhân lực và tài chính khổng lồ.

Phạm Thu Thanh ( theo Reuters, Harvard Magazine)