Thế giới

Nguồn sống của người nghèo Sri Lanka giữa khủng hoảng kinh tế

"Những người đến đây không có gì cả. Tôi đã 66 tuổi nhưng chưa bao giờ chứng kiến khủng hoảng như thế này trong đời", tình nguyện viên bếp ăn nhà thờ Sri Lanka nói.

Cạn kiệt nhiên liệu và không có tiền mua thức ăn, Indrani và gia đình 9 người của cô đã đi hàng tiếng đồng hồ đến một bếp ăn cộng đồng ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) với hy vọng có thể tìm được một bữa ăn chay đơn giản.

Lạm phát lương thực gia tăng, tình trạng thiếu hụt xăng dầu cũng như gas để nấu ăn đang khiến hàng triệu người Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. 

Cô Indrani, một trong hàng trăm người Sri Lanka đang xếp hàng giữa trưa nắng tại nhà ăn của một nhà thờ, cho biết: "Tôi không có thu nhập. Chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và không có thức ăn”. Cô Indrani chia sẻ giá một kg gạo hiện đã tăng lên 250 rupee từ mức chỉ 90 rupee cách đây 6 tháng. "Chúng tôi chỉ muốn có thức ăn để có thể tồn tại", cô nói

Tại bếp ăn của nhà thờ gần quốc hội Sri Lanka, khoảng 20 tình nguyện viên đang tham gia nấu cơm, thái hành và nạo dừa. Họ đã nấu nướng bằng bếp củi do thiếu hụt gas. Ông Akila Alles, giám đốc điều hành của Bethany Christian Life Center đã thiết lập các bếp cộng đồng tại 12 nhà thờ và phục vụ thức ăn cho khoảng 1.500 người mỗi ngày kể từ tháng 6, cho biết: “Nhu cầu hiện đang rất lớn”.

"Lạm phát quá cao, người dân không đủ tiền để mua thức ăn. Mọi người đã không thể nấu nướng do thiếu hụt gas và cũng không thể làm việc do không có phương tiện giao thông”, ông Akila Alles chia sẻ.

Người dân trong dinh tổng thống Sri Lanka vào ngày 9/7/2022. Ảnh: EPA.

Ông K. D. Irani, đầu bếp tình nguyện tại bếp ăn của một nhà thờ Sri Lanka, chia sẻ trong lúc đang khuấy một vạc đậu lăng: “Những người đến đây đôi khi không có gì cả. Tôi đã 66 tuổi nhưng chưa bao giờ chứng kiến khủng hoảng như thế này trong đời. Chúng tôi làm điều này vì tình yêu với người dân".

Trong tuần này, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết tình hình kinh tế khó khăn đã khiến hơn 5 triệu người Sri Lanka buộc phải nhịn đói.

Sri Lanka hiện đang trải qua nhiều tháng cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu nhu yếu phẩm, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã. Chính phủ nước này đã tuyên bố không trả được khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD và kêu gọi gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Vào đầu tháng 7, hàng nghìn người dân Sri Lanka đã đổ về thủ đô biểu tình, yêu cầu chính phủ chịu trách nhiệm về việc quản lý sai nguồn tài chính khiến quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm lương thực và nhiên liệu. Người biểu tình đã xông cả vào dinh thự chính thức của tổng thống.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, France24)