Dân sinh

Nguồn gốc, ý nghĩa hội Lim và những điều nhất định phải biết khi trẩy hội Lim

Hội Lim là lễ hội lớn của vùng, thể hiện một cách sâu sắc nhất văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc, ý nghĩa hội Lim và những điều nhất định phải biết khi trẩy hội Lim.

Nguồn gốc hội Lim

Có giả thuyết cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương và tính chất, đặc điểm của hội Lim là lễ hội sinh hoạt văn hóa và ca hát Quan họ.

Ý nghĩa hội Lim

Từ bao đời nay, bên cạnh ý nghĩa biểu tượng về tinh thần văn hóa và tâm linh của người dân Bắc Kỳ, hội Lim còn nhắc nhở những thế hệ sau này về việc phải ghi nhớ công lao của những người đi trước và giáo dục họ việc giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Hội Lim diễn ra vào thời gian nào?

Hội Lim năm nay sẽ chính thức diễn ra vào Chủ nhật, ngày 17/2/2019.

Nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, hội Lim vẫn sẽ tiếp tục diễn ra như mọi năm tại tỉnh Bắc Ninh và dự báo số lượng người tham gia ngày hội này sẽ ngày một tăng lên. Như thông báo đã được đưa ra trước đó, hội Lim năm nay sẽ chính thức diễn ra vào Chủ nhật, ngày 17/2/2019.

Theo truyền thống, hội Lim gồm có 2 phần: Phần đầu là lễ và phần sau là hội. Nét đặc trưng riêng biệt của hội Lim so với các lễ hội khác đó chính là vì hội của 6 làng chung nhau nên đám rước sẽ diễu hành và thực hiện các nghi thức cúng tế Thành hoàng của tất cả các làng dọc theo dòng sông Tiêu Tương.

Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu – người sáng lập tục hát quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: Xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim thường được kéo dài trong khoảng từ 3 đến 4 ngày (từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm), trong đó ngày 13 là chính hội với nhiều hoạt động gồm cả phần lễ và phần hội.

Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu.Trong ngày lễ chính (ngày 13 tháng Giêng) với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Toàn thể quan viên, hương lão của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần.

Những điều nhất định phải biết khi đến với hội Lim

Phần hát hội của các liền anh, liền chị.

Tương truyền rằng: Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, các bọn quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.

Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc sắc hơn cả là phần hát hội.

Phong Linh (tổng hợp)