Văn hoá

Người Việt ở Đức đón Tết như thế nào?

Dù xa quê hương nhưng những người Việt Nam đang học tập và sinh sống ở Đức vẫn đón Tết Nguyên đán, chào mừng một năm mới với khởi đầu mới.

Chỉ là ngày bình thường

Trái ngược với không khí ở trong nước, những người Việt Nam ở Đức vẫn tất bật trong guồng quay công việc hàng ngày. Cô Thúy, đã sinh sống ở Đức 38 năm, cho biết, người Đức đón Tết Dương lịch, vì vậy người Việt đang sinh sống và làm việc ở đây vẫn đi làm, đi học bình thường vào dịp Tết Nguyên đán.

Còn với chị Thùy, du học sinh Việt Nam đã sống và làm việc 3 năm ở Leipzig, ngày đầu năm mới nếu không rơi vào kỳ nghỉ cuối tuần hay ngày lễ thì đó chỉ là một ngày làm việc bình thường như bao ngày khác. Việc này khiến nhiều người Việt ở Đức không khỏi buồn trong lòng, nỗi nhớ quê thêm da diết hơn. “Cảm giác Tết qua nhanh lắm. Ngày cuối năm, Giao thừa đôi khi chỉ là một ngày lễ được tích đỏ để nhớ và chuẩn bị thôi”, chị Thùy tâm sự.

TetFest – Ngày hội lớn đón Tết

Chia sẻ về không khí đón Tết cổ truyền ở Leipzig, chị Thùy cho biết những năm trước, Tết được chuẩn bị khá sớm. Cộng đồng người Việt ở Leipzig trong cả một năm dài mong chờ nhất 2 ngày lễ lớn do hội người Việt ở Leipzig tổ chức, trong đó có TetFest. Đây là ngày lễ mừng Tết Nguyên đán được tổ chức hàng năm vào ngày Chủ Nhật gần với Tết Nguyên đán nhất để người Việt ở Leipzig và các thành phố xung quanh có thể tới tham dự. 

Khung cảnh một buổi TetFest đón năm mới được tổ chức bởi hội người Việt ở Leipzig, Đức.

Trước khi tổ chức, hội sẽ họp và phân chia công việc, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, các món ăn cũng như lo việc mời và đón khách. Trong những ngày diễn ra TetFest, các gia đình người Việt thường cùng bạn bè, người quen tụ họp, ăn uống hoặc đưa con cái đi xem các hoạt động cộng đồng. 

Chị Thùy cho biết, năm nay, do dịch Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động cộng đồng ở Đức tính từ thời điểm giãn cách xã hội đã bị hoãn lại vô thời hạn. Dù có thể sẽ không có ngày TetFest như mọi năm, các gia đình vẫn duy trì truyền thống làm cơm cúng Giao thừa để nhớ về tổ tiên, ông bà.

Mâm cơm cúng gia tiên ngày Tết thường được người Việt ở Đức chuẩn bị sao cho giống với mâm cỗ Tết Việt nhất có thể; về cơ bản sẽ có những món truyền thống như nem rán, xôi gấc, canh măng, giò, bánh chưng... Ngoài ra, một số gia đình cũng sẽ chuẩn bị thêm cây cảnh như quất hay đào tây để tạo thêm không khí Tết vui tươi nhưng đầy ấm cúng, mộc mạc nơi xứ người.

Không có nhiều thời gian để tự tay gói bánh chưng, muối dưa hành và chuẩn bị nhiều đồ khác đón Tết, mọi người có thể tới kho Đồng Xuân và Bến Thành ở Leipzig hay đến trung tâm Thương mại Đồng Xuân, trung tâm Thương mại Thái Bình Dương ở Thủ đô Berlin mua sắm. Những “khu chợ”, kho hàng này có đầy đủ các mặt hàng từ bánh chưng, dưa hành đến giò chả, mứt Tết với không khí nhộn nhịp không khác gì Hà Nội.

Đúng 18h ngày cuối năm theo giờ Đức, các gia đình người Việt ở đây đã dâng cỗ, thắp hương lên bàn thờ gia tiên, thành kính cúng bái vì thời điểm này ở Việt Nam đã là Giao thừa. Gần như gia đình Việt Nam nào ở Đức cũng đều có một bàn thờ gia tiên theo truyền thống, dù cho có thể bày biện đơn giản hơn ở Việt Nam. 

Là người thường xuyên tham gia TetFest mỗi năm, chị Thùy cảm thấy khá hụt hẫng khi năm nay các hoạt động đều bị hoãn do Covid-19. Tuy nhiên, chị cho rằng thời gian giãn cách xã hội sẽ là cơ hội để mọi người Việt ở Đức ở nhà nhiều hơn, quây quần bên người thân trong gia đình.

Đinh Kim