Chính sách

Người vẽ bản đồ tác chiến đường Trường Sơn tiết lộ bí mật chuyện cố tình vẽ sai

Đường Trường Sơn, cái tên đã đi vào lòng dân tộc, qua bao nhiêu thế hệ như một sự trường tồn hùng vĩ, ngoan cường của thế hệ cha anh. Ngược dòng thời gian, lúc đó có một con người đã ròng rã, miệt mài, tỉ mẩn làm một việc cực kỳ bí mật, tối trọng cho quốc gia... đó là vẽ bản đồ đường Trường Sơn. Ông là Nguyễn Lương Cảnh (SN 1946), trú phường Bắc Lý, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Từ người khắc tên bia mộ cho đồng đội

Đưa tay lật giở những tấm bản đồ đã in màu thời gian, ông Cảnh bắt đầu nhớ lại mối cơ duyên của mình với việc vẽ bản đồ đường Trường Sơn, một công việc hết sức thầm lặng, kiên trì và cũng rất đỗi thiêng liêng ấy.

“Tháng 2/1965, chưa đầy 19 tuổi và đang là dân quân địa phương thì tôi xung phong đi bộ đội, tham gia phục vụ chiến đấu tại đường Trường Sơn, đoạn qua làng Ho, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) từ Phong Nha lên biên giới Việt - Lào. Đơn vị tôi phụ trách sửa chữa cầu đường để bộ đội hành quân, chi viện hàng hóa cho chiến trường miền Nam máu lửa”, ông Cảnh nhớ lại.

Ông Nguyễn Lương Cảnh (SN 1946) bên tấm bản đồ đường Trường Sơn

Ông Cảnh bùi ngùi cho biết: “Chiến tranh ác liệt, sống- chết trong tấc gang, sau một loạt bom của giặc Mỹ, đồng chí Lê Văn Dị, Đội trưởng đội Cầu 4- Quảng Bình hy sinh. Người đồng đội mà tui kính mến đã ngã xuống. Tui sử dụng một tua vít, tìm đá khắc cho bạn một tấm bia liệt sĩ tại Km39- U Bò- Đường 20 Quyết Thắng để làm dịu lòng mình”.

Theo ông kể lại thì lúc đó, ở đơn vị ông có 9 người đã hy sinh ngay tại địa điểm anh Dị hy sinh. Suốt quãng thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông Cảnh chứng kiến sự ra đi của nhiều đồng đội. Đau đáu với những tấm mộ “vô danh”, ông xin cấp trên đảm nhận thêm nhiệm vụ khắc tên bia mộ cho đồng đội. Ban chỉ huy thấy đây là việc có ý nghĩa, nên điều ông về khắc bia cho 9 ngôi mộ đó. Chiến tranh ác liệt, nhiều đồng đội ngã xuống trên tuyến đường. Ông Cảnh lại thực hiện thêm nhiệm vụ mới, một mình lặn lội trèo đèo, lội suối tìm những phiến đá thật đẹp để đưa về khắc bia cho người đã mất. Đêm đến, ông vác bia ra nơi chôn cất đồng đội để đặt:

“Sống trong cảnh chiến tranh, lại ở địa hình rừng núi hiểm trở, thi thoảng, may mắn lắm thì mới có xe đi nhờ, còn không thì phải đi bộ, có khi phải vác bia đi cả chục cây số mới đến địa điểm chôn cất đồng đội”, ông Cảnh cho biết.

Ông Cảnh xót xa nhớ lại, có những ngôi mộ bị bom đạn đánh trúng, phải cắm đi cắm lại nhiều lần, thậm chí có những ngôi mộ vừa chôn cất được mấy ngày thì đã bị san phẳng, mất hết dấu tích. Những lúc ấy, ông Cảnh lại tự nhủ lòng mình, dù vất vả như thế nào cũng phải tìm được mộ để gắn bia cho đồng đội. Cứ như vậy, ông là người duy nhất khắc bia mộ cho những đồng đội tại 7 bãi quy tập các liệt sĩ dọc tuyến đường 20 Quyết Thắng. Giờ đây, trên những nẻo đường Trường Sơn, những tấm bia lưu dấu nơi an nghỉ của đồng đội đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho nhiều đơn vị, gia đình liệt sĩ tìm đến đưa phần mộ người thân về với quê hương.

...Đến người vẽ bản đồ đường Trường Sơn

Công việc ông cứ thế cho đến cuối năm 1966, Ban chỉ huy thấy ông “có hoa tay” nên chuyển ông về Bộ Tư lệnh 559 để vẽ bản đồ. Và đến nay, sau hơn 50 năm, ông vẫn bảo đó là cơ duyên đến với nghiệp vẽ bản đồ của mình. Sau thời gian ngắn học việc, được sự đồng ý của nguyên Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, ông Cảnh được tuyển vào phòng Tác chiến phụ trách vẽ bản đồ với nhiệm vụ chính là vẽ, quản lý toàn bộ đường Trường Sơn từ tháng 5/1967.

Công việc vẽ bản đồ đòi hỏi độ chính xác cao. Để vẽ được một tấm bản đồ trong điều kiện vô cùng khó khăn về cơ sở vật chất cũng như trình độ kỹ thuật, những người lính Trường Sơn ngày ấy đã phải nỗ lực phi thường. Nhiều đoạn đường làm chưa xong, bom Mỹ lại giội xuống vùi lấp, có những đoạn đường hẹp, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, cứ 30 phút, máy bay địch lại giội bom một lần. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh trên đường khảo sát, nhưng các đội khảo sát đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tài liệu về đường Trường Sơn được ông Cảnh gìn giữ cẩn thận

Ông Cảnh nhớ lại: “Công việc vẽ bản đồ trong thời chiến vô cùng gian nan, vất vả, để vẽ được một tấm bản đồ, các chiến sĩ phải tổ chức những đội khảo sát băng rừng, lội suối vượt hàng ngàn cây số qua cả nước bạn Lào, Campuchia để xác định vị trí những con đường mới và những con đường cũ. Bởi bản đồ thay đổi liên tục, có đoạn đường mới mở đã bị bom đạn vùi lấp, rồi có những ngày vài nhánh mới được mở ra, các đơn vị luôn thay đổi vị trí đóng quân. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật, theo dõi và bổ sung vào các tờ bản đồ đã vẽ trước đó”.

Theo lời ông, thời gian đầu, đường Trường Sơn chỉ có khoảng 10 tuyến đường chính như đường 16, đường 10, đường 12... Nhưng đến tháng 2/1976, toàn bộ đường Trường Sơn có 216 con đường, dài hơn 20.000km. “Ngày đó chúng tôi vẽ có khi phải hàng tấn bản đồ. Ngồi trong hầm, mặc cho bom đạn trên đầu vẫn cứ việc mình mình làm...”, ông Cảnh chia sẻ.

Một kỷ niệm khó quên của ông là vào khoảng đầu năm 1969, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn gọi ông lên, bảo: “Chuẩn bị một bản đồ tỉ lệ 1:500.000 để đưa ra báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh. Gần 2 tháng trời, ông thu thập tài liệu, vẽ một bản đồ chi tiết từ vị trí đóng quân của cấp đại đội đến cấp sư đoàn với đầy đủ trận địa, kho tàng mang lên nộp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Xem qua, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ra lệnh: “Về làm lại”. Ông chẳng hiểu mình vẽ sai ở những điểm nào. Tư lệnh giải thích: “Vì bản đồ chú vẽ đúng quá, cụ thể quá mới phải làm lại. Mình đang ở thời chiến, đi đường bộ ra Hà Nội hàng mấy trăm kilomet, nhỡ bị phục kích hy sinh, tấm bản đồ này lọt vào tay địch thì chỉ vài tiếng đồng hồ sau, hàng vạn tấn bom sẽ trút xuống địa điểm của bộ đội ta đóng quân, giấu hàng, tổn thất vô cùng lớn. Chú về vẽ lại, đánh dấu địa điểm quân ta sai lệch theo tỉ lệ ít nhất 10km về phía đông hay tây tùy chú, xong đánh ký hiệu rồi giao cho tôi”. Đó là một trong những bài học lớn về công tác bảo vệ bí mật quân sự, bí mật Quốc gia mà ông Cảnh ghi lòng tạc dạ đến tận bây giờ.

Tìm trong tập giấy tờ lưu giữ đã hàng chục năm, ông cho tôi xem một tập giấy pơ-luya đánh máy đã ngả màu vàng ố.Đấy là sử liệu đường Trường Sơn. Ở đó, ông ghi chi tiết từng tuyến đường của hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại, từ năm khởi công và hoàn thành, chiều dài tính bằng km, khối lượng đất đá đã khai phá để mở đường, điểm đầu và điểm cuối của mỗi con đường. “Bây giờ thì không sao. Chứ hồi còn chiến tranh cuốn sổ này phải được bảo mật, người có thể mất nhưng nó không thể rơi vào tay địch...”, ông Cảnh nói. Từ năm 1976, ông ra Hà Nội, về Bộ Tổng Tham mưu, tiếp tục công việc vẽ bản đồ các tuyến đường phía Bắc. Năm 1984, ông được nghỉ hưu, trở về quê hương Quảng Bình sinh sống tới tận bây giờ.                                     

Công việc vẽ bản đồ đòi hỏi sự tuyệt mật. Vì vậy, ông Cảnh không được tiếp xúc với ai ngoài chỉ huy trực tiếp, ngay cả gia đình, người thân cũng không được phép biết về công việc ông đang đảm nhận. Theo chúng tôi, đó là sự hy sinh thầm lặng vô cùng cao quý. Giờ đây, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng khúc ca hùng tráng về một thời mưa bom bão đạn vẫn còn vang vọng tới ngàn năm sau.

Ngô Huyền 

(còn nữa)