Văn hoá

Người tung tin NSƯT Chí Trung đột quỵ có thể bị xử lý thế nào?

Mới đây, có kẻ tung tin NSƯT Chí Trung đột quỵ khiến nhiều người phẫn nộ. Vậy, hành vi tung tin thất thiệt này có thể bị xử lý thế nào?

Mới đây, NSƯT Chí Trung bày tỏ sự bực bội với tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Cụ thể, có trang web phao tin nam nghệ sĩ "bị đột quỵ, phải nhận viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch". Kèm với thông tin sai sự thật là 2 bức ảnh Chí Trung đang nằm trên giường bệnh.

NSƯT Chí Trung cảm thấy bị tổn thương trước tin đồn ác ý về mình.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, NSƯT Chí Trung cho biết: "Đó là những tin đồn sai sự thật, vớ vẩn. Những bức hình tôi đang nằm trên giường bệnh là được chụp từ cách đây 7-8 năm, hồi tôi vào viện vì sự cố sức khỏe. Những bức hình đó từ lâu rồi, họ cóp nhặt lại rồi phao tin đồn nhảm. Tôi vẫn sống bình thường, khỏe mạnh, đang đi uống cà phê vui vẻ. Những người tung tin này là vi phạm pháp luật và nếu còn tái phạm, tôi sẽ có những xử lý tiếp theo".

Đây không phải lần đầu tiên Chí Trung bị kẻ xấu tung tin ác ý. Tháng 12/2021, nam nghệ sĩ cũng bị phao tin "bệnh nặng và đang nguy kịch", đồng thời kẻ xấu kêu gọi mọi người… cầu nguyện cho anh.

Chia sẻ với PV, luật sư Quang Vinh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay: "Những tin đồn nhảm nhí, thất thiệt về nghệ sĩ Chí Trung, gây hoang mang dư luận, tổn hại trực tiếp đến nghệ sĩ này. 

Kẻ có hành vi truyền tải thông tin sai sự thật về nghệ sĩ Chí Trung (nếu xác định được) có thể sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng, đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, theo Điều 101, Khoản 1, Nghị định 15/2020. Trong trường hợp này, nghệ sĩ Chí Trung có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại (nếu có) tại tòa án có thẩm quyền".

Chia sẻ thêm với Người Đưa Tin, luật sư Quang Vinh cho hay, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử quy định rõ mức xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội.

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (gồm phát triển công nghiệp CNTT; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử...) và các giao dịch điện tử.

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm có cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác như tước giấy phép có thời hạn đối với giấy phép bưu chính, viễn thông, thiết lập mạng viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, giấy phép kinh doanh sản phẩm, thiếp lập mạng xã hội…; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 đến 24 tháng.

"Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ bị tung tin thất thiệt và đã bị cảnh báo. Vì vậy, khi chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội, người dùng phải cẩn trọng và tìm hiểu kỹ. Nếu không sẽ vô tình tiếp tay cho kẻ xấu và vô tình vi phạm pháp luật" - Luật sư Quang Vinh cho hay.