Tiêu dùng & Dư luận

Người trồng tiêu khóc ròng

Từng phá bỏ cây cà phê, điều, cacao để trồng hồ tiêu, tuy nhiên, người nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn không thoát khỏi cảnh được mùa mất giá. Vào mùa tiêu chín rộ, việc tìm kiếm nhân công hái tiêu lại càng khan hiếm dù tiền công không hề rẻ, nhiều hộ phải trải bạt dưới gốc mặc cho tiêu tự rụng.

Mùa thu hoạch hồ tiêu 2019 của bà con nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang vào chính vụ. Năm nay, hồ tiêu được mùa, sản lượng cao tuy nhiên giá tiêu lại giảm sâu khiến nông dân điêu đứng, khóc ròng.

Hồ tiêu đang vào thời điểm chính vụ thu hoạch.

Có mặt tại các xã của huyện Xuyên Mộc, Châu Đức thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, PV được chứng kiến những cảnh dở khóc dở cười của nông dân trồng tiêu tại đây.

Bà Trần Thị Hiền (ngụ ấp Phú Hòa, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho biết: “Giá tiêu năm nay xuống thấp nhất trong 10 năm qua. Nếu như thời điểm những năm trước, giá tiêu khoảng hơn 200.000 đồng/kg thì năm nay, tiêu chỉ còn 40.000 - 42.000 đồng/kg. Năm nay, hộ trồng tiêu nào đạt chất lượng tốt may ra huề vốn, còn lại hầu như lỗ nặng”.

Những nông hộ đạt sản lượng cao mới có thể huề vốn.

Bởi theo bà Hiền, mặc dù năm nay hồ tiêu được mùa, năng suất sản lượng tiêu rất cao, tuy nhiên ngoài chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chi phí phân bón, chăm sóc ban đầu, người nông dân còn phải trả tiền công thu hoạch tiêu cho người làm thuê. Trung bình mỗi ngày công, chủ vườn phải trả từ 200.000 - 250.000 đồng/người.

Tuy công hái tiêu cao nhưng việc tìm người lại không dễ. Hầu hết người lao động đã đi làm công nhân ở các nhà máy, công ty tại các khu công nghiệp…

Gốc tiêu được người dân phủ bạt để thu gom tiêu chín rơi rụng do không kịp hái.

Công hái tiêu được trả tiền mặt hoặc người làm công lấy 5kg tiêu khô cho một ngày hái, hoặc ăn chia tỷ lệ 6/4 (người trồng 6 phần, người hái 4 phần) khiến nông hộ chịu thiệt hại kép. Để đối phó với tình trạng này, người trồng tiêu đã phủ những tấm bạt, nylon dưới gốc tiêu để thu gom tiêu chín rơi rụng.

Ông Trần Bá Binh, hộ trồng hồ tiêu tại tổ 7 (ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp) cho biết: “Giá tiêu năm ngoái từ 60.000 - 65.000 đồng/kg, nhưng năm nay, vào thời điểm chính vụ, giá tiêu chỉ còn 42.000/kg. Do đó, nhiều gia đình không có đủ tiền để trả cho nhân công".

Thiếu nhân công nên nhiều hộ nông dân phải huy động toàn bộ nhân lực trong nhà để hái tiêu

Nói về sự ổn định trong nghề trồng tiêu của nông dân, ông Binh cho rằng: “Nông dân trồng tiêu luôn bấp bênh, bởi khi được mùa tiêu thì mất giá và ngược lại những năm mất mùa, giá cả lại cao. Trong 2 năm 2018 - 2019, nông dân rất khổ, bởi chi phí đầu tư sản xuất, phân bón, nhân công cao. Trung bình mỗi ha tiêu đạt gần 2 tấn, khi bán ra chỉ được mấy chục triệu đồng. Trong đó chi phí nhân công đã chiếm hơn một nửa, đó là chưa tính tiền phân bón, công chăm sóc. Năm nay tất cả nông dân đều lỗ vốn”.

Bà Ka (trú tại thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), một nông hộ trồng hồ tiêu và làm giàu từ loại cây trồng này cho biết: “Có thời điểm, giá tiêu lên trên 200.000 đồng/kg, gia đình tôi đã xây cất được nhà cửa khang trang, có của ăn, của để. Với mỗi ha tiêu, gia đình thu hoạch trên 3 tấn, nhưng năm nay giá tiêu xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua và việc “đỏ mắt” tìm nhân công thu hoạch khiến cả nhà phải ở ngoài vườn tiêu từ sáng đến tối. Tuy nhiên, việc này cũng không giúp chúng tôi thu hoạch kịp tiêu đang chín rộ”.

Mùa vụ năm nay tiêu sai trái nên sản lượng cao.

Để thu hoạch được 1 tấn tiêu, người trồng tiêu phải bỏ ra chi phí thuê người hái khoảng 20 triệu đồng. Với giá tiêu hiện nay, người nông dân chỉ thu lại còn một nửa nên không đủ bù chi phí công sản xuất. 

Nói về những khó khăn của bà con trồng tiêu năm nay, ông Phan Thành Lợi, Chủ tịch hội Nông dân xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) cho hay: “Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch hơn một nửa diện tích cây tiêu, nhưng năm nay giá xuống thấp, tiền công lao động lên cao nhưng vẫn không thuê mướn được dẫn đến tiêu chín rụng rơi rất xót xa. Việc không thu hoạch kịp sẽ ảnh hưởng tới sản lượng tiêu cho năm tới bởi khi đó tiêu sẽ chết và sinh trưởng kém. Nếu vườn nào không hái được, để tiêu chín khô trên cây thì năm sau sản lượng vườn đó sẽ giảm hơn 50%, lượng tiêu chết 30%”.

Giá cả giảm sâu khiến nông dân trồng tiêu lỗ nặng.

Nhận định về khả năng người nông dân bỏ tiêu, chuyển đổi sang trồng loại cây khác, ông Lợi cho rằng: “Người nông dân đã bỏ chi phí đầu tư lớn để trồng tiêu, nay để chuyển đổi sang một cây trồng mới, họ phải phá bỏ hết nên thua lỗ lớn. Mặt khác, cây ăn trái để xuất khẩu tại khu vực Đông Nam Bộ không nhiều, nên nông dân vẫn bám trụ trồng tiêu. Đây là việc cần phải xem xét, tính toán kỹ để có những giải pháp hợp lý cho người nông dân”.

Theo thống kê của ông Lợi, giá tiêu năm 2019 xuống thấp nhất trong vòng 20 năm nay nên bà con điêu đứng. Những nông hộ đạt sản lượng tốt, mức lỗ khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha. Những hộ mất mùa, có thể thua lỗ lên đến 65 triệu đồng/ha.