Dân sinh

Người trẻ trước khi tự sát - Bài 3: Niềm tin và hành vi

Việc áp đặt, kỳ vọng và nuôi con kiểu “gà ấp” đã giết chết năng lực của trẻ. Cuộc trò chuyện với PGS. TS Trần Thành Nam sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tự trừng phạt

Có ý kiến cho rằng, trẻ tự tử khi không còn niềm tin vào bản thân, không còn niềm tin vào tương lai. Trẻ chán ghét chính mình, coi bản thân chính là kẻ thù nên tìm đến cái chết. Dưới góc độ tâm lý, anh hãy giúp độc giả hiểu rõ về chuyển biến tâm lý phức tạp này?

Dưới góc độ tâm lý, tôi cho rằng ý kiến này hoàn toàn đúng vì niềm tin là một yếu tố rất quan trọng. Sau khi dồn hết tất cả niềm tin, hy vọng vào một mục tiêu và rồi không đạt được, trẻ tin rằng đã mất hết, hết hy vọng và cả niềm tin vào cuộc sống. Niềm tin mất đi, hy vọng không còn tất yếu dẫn đến hành vi tiêu cực.

Nhiều bậc phụ huynh nói, họ chưa bao giờ đánh con nhưng thực ra không cần phải đánh. Chỉ bằng lời nói, hành động ám chỉ hoặc bằng việc áp đặt ý chí lên trẻ. Cho rằng phải đạt được cái này, cái khác mới là con ngoan, mới có giá trị. Thiết nghĩ, nếu cha mẹ ý thức được việc áp đặt con, bỏ mặc không quan tâm con khi con gặp thát bại cũng chính là một hình thức “tra tấn” tinh thần con cái thì đã hạn chế được nhiều chuyện đau lòng xảy ra.

Hiện nay, có rất nhiều cha mẹ đầu tư thời gian, tiền bạc và tất cả mọi thứ cho con với sự kỳ vọng gần như tuyệt đối rằng con phải đạt được điều gì đó. Sự đầu tư và niềm tin của bố mẹ đặt lên vai trẻ những áp lực vô cùng nặng nề. Trong trường hợp không đạt được kết quả như bố mẹ mong muốn, trẻ sẽ cảm thấy bản thân mình thật tội lỗi, mình đã phụ công sức của bố mẹ nên tìm cách tự trừng phạt chính mình bằng cái chết.

Thành tích học tập của con chính là “bộ mặt” của gia đình, thậm chí là thể diện của cả dòng tộc.

PGS-TS. Trần Thành Nam, Trưởng khoa Khoa học Giáo dục, đại đọc Giáo dục (đại học Quốc gia Hà Nội).

Từ sự kỳ vọng của bố mẹ, trẻ cũng tự gây áp lực cho chính bản thân. Và, chính áp lực tự thân cộng với áp lực từ bố mẹ khiến trẻ tìm đến cái chết, đúng không thưa ông?

Điều đáng sợ là những kỳ vọng của bố mẹ kéo dài từ nhỏ đến lớn khiến trẻ cũng tự gây áp lực cho chính mình. Tự định nghĩa giá trị con người mình bằng những thành tích và mức độ đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ. Khi gặp thất bại, trẻ thấy rằng tất cả những giá trị của bản thân tích lũy được mất hết.

Một ví dụ điển hình cho áp lực nặng nề mà bố mẹ đặt lên con trẻ chính là bố mẹ có thói quen đem con ra so sánh với trẻ khác hoặc đặt một mốc nhất định ép con phải thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng, trẻ xuất hiện tâm lý xấu hổ khi không đạt được mục tiêu kỳ vọng. Trước cảm xúc tiêu cực ấy, nhiều trẻ muốn trốn chạy bằng cách kết thúc cuộc sống của chúng.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng trẻ tự tử xuất phát từ cách giáo dục của gia đình.

Có những trẻ bề ngoài không có biểu hiện gì bất thường nhưng rồi bất ngờ tìm đến cái chết. Làm sao để nhận diện, thưa ông?

Những trẻ bề ngoài không có biểu hiện gì bất thường nhưng lại bất ngờ tìm đến cái chết vì có thể các em có các biểu hiện tổn thương sức khỏe tâm thần nhưng thuộc nhóm trầm cảm ẩn. Một số em đã tổn thương, đã mệt mỏi quá sức nhưng không đủ dũng cảm để thừa nhận sự yếu đuối, đau khổ hay thất bại của mình vì sợ phụ kỳ vọng của bố mẹ. Các em sẽ tiếp tục diễn kịch là mình bình thường cho đến khi không thể chịu nổi nữa thì sẽ tìm cách giải thoát.

Khi mất đi niềm tin vào bản thân, niềm tin vào tương lai trẻ sẽ thấy mình không còn giá trị trong cuộc sống và từ đó tìm đến cái chết.

Để ngăn chặn được các tình huống xấu, điều quan trọng nhất là những người này phải tự ý thức bản thân mình đang có vấn đề. Bên cạnh đó, người nhà cũng cần quan tâm, sát sao, nếu các bạn trẻ gặp phải vấn đề trong cuộc sống phải chia sẻ, động viên, thậm chí đưa đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Con dao 2 lưỡi

Sự kỳ vọng, áp đặt của bố mẹ dường như đã giết chết sự sáng tạo, tình độc lập và tự chủ của trẻ?  

Có rất nhiều bậc cha mẹ đặt lên vai con những áp lực và kỳ vọng quá lớn. Vì vậy, họ luôn hướng đến kết quả đặt ra, thành tích trẻ phải đạt được mà bỏ quên rằng bản thân đứa trẻ vốn đã có những giá trị tốt như trung thực, nhân ái, biết chia sẻ.

Bố mẹ luôn dạy con đủ điều về cách thức đạt được thành tích cao, nhưng ít người dạy con làm thế nào để đối diện thế nào với thất bại. Thậm chí, có rất nhiều ông bố bà mẹ đánh đồng sự thất bại của con với năng lực kém cỏi. Chính vì cha mẹ không khuyến khích, không giúp con ý thức được điểm mạnh của bản thân, nên khi vấp phải thất bại các bạn trẻ mặc định, mình đã mất tất cả và không còn giá trị trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc bố mẹ bảo bọc con quá mức cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc và giải quyết những vấn đề phức tạp. Vì vậy trẻ có xu hướng buôn tay, trốn chạy bằng những hành vi tiêu cực khi gặp trở ngại. Thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc và giải quyết vấn đề khiến nhiều trẻ không thể trở thành những nhà vô địch thành công trong cuộc đua marathon cuộc đời.

Bố mẹ bao bọc con kiểu “gà ấp”, thoả mãn tất cả các nhu cầu của con chính là con dao hai lưỡi làm chết năng lực chịu đựng của trẻ.

Khi niềm tin không còn, hành vi tiêu cực sẽ đến. (Ảnh minh hoạ. Nguồn Ineternet)

Có thể nói, đối tượng đầu tiên cần phải thay đổi là bố mẹ. Tuy nhiên, dường như sự áp đặt con cái đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người Việt. Vậy theo ông, bố mẹ cần phải làm gì để thay đổi những điều đó?

Để thay đổi được thực trạng này, đầu tiên bố mẹ cần thay đổi về mặt nhận thức để con thành công và hạnh phúc trong tương lai thì con cần được tự chủ. Thứ hai, bố mẹ cần quan tâm đến năng lực, tôn trọng những sở thích của con và khuyến khích trẻ phát huy khả năng sáng tạo, phát triển tư duy phản biện. Thứ ba, bố mẹ cần giúp con biết cách tự đương đầu và vượt qua những khó khăn, áp lực và nhìn cuộc sống theo khía cạnh tích cực. Thứ tư, bố mẹ cần đầu tư cho mình kiến thức về tâm sinh lý các lứa tuổi, thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử để hướng dẫn trẻ kỹ năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Khi trẻ gặp thất bại, bố mẹ cần làm gì, thưa ông?

Phụ huynh cần phải liên tục động viên, chỉ ra những cơ hội khác và cùng con đối phó những khó khăn trong cuộc sống. Trong trường hợp này, nếu phụ huynh không kịp thời chia sẻ sẽ khiến các em cảm thấy cô độc, bế tắc và mất hoàn toàn niềm tin vào cuộc sống, từ đó dẫn đến hành vi tự trừng phạt bản thân mình bằng cách tự tử.

Trẻ tự tử là thực trạng đáng báo động, nhưng chúng ta chưa có những thái độ đúng, những hành động phù hợp để giải quyết vấn đề này. Dựa trên góc độ tâm lý, đa số trẻ có suy nghĩ và hành động tiêu cực sau những thất bại là vì họ diễn giải những thất bại đó như là một điều rất kinh khủng.
Vụ việc nữ sinh 18 tuổi ở Quảng Nam tự tử khiến nhiều người đau lòng. Đây không phải là lần đầu chúng ta chứng kiến những câu chuyện đau lòng như vậy. Vụ việc này không chỉ khiến dư luận hoang mang, mà còn gây sang chấn tâm lý cho những người có chung hoàn cảnh.

PHƯƠNG LY – LÊ ANH