Gia đình

Người trẻ trước khi tự sát: Bài 2: Hãy là bạn của trẻ

Thay đổi, hãy bắt đầu từ chính gia đình. Gia đình cần quan tâm tới trẻ, chia sẻ với trẻ, theo sát từng bước đi của trẻ và đọc được những diễn biến tâm lý của trẻ.

Chúng ta cần đặt mình vào vị trí của trẻ

Theo ông, chúng ta nên làm gì để phát hiện, phòng ngừa, giúp những người có ý định quyên sinh thoát khỏi bế tắc cùng cực?

Hãy là bạn của trẻ. Thế nên, chúng ta cần đặt mình vào vị trí của trẻ. Đương nhiên, trong văn hóa Việt Nam phân định thứ bậc trong gia đình là điều cần thiết, nhưng khi muốn tâm sự với trẻ, bố mẹ xem con như là người bạn, thì các con mới cởi lòng với mình.

Hãy nhớ rằng đứng ở thứ bậc ông bà, bố mẹ chẳng bao giờ chúng ta nghe được sẻ chia thầm kín của một đứa trẻ.

Những đứa trẻ tự sát có vẻ như không vượt qua được cú sốc của sự thất bại?

Một đứa trẻ gặp cú sốc thi trượt đại học và tự chịu đựng một mình là điều rất khủng khiếp. Sự kỳ vọng của bố mẹ, của ông bà và những người xung quanh khiến trẻ tự đặt áp lực cho chính mình. Sự kỳ vọng đó bị đổ vỡ, trẻ sẽ vô cùng lo lắng, u buồn và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi phải chịu đựng một mình.

Thay vì áp đặt, bố mẹ hãy chia sẻ, cảm thông với con. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Người Việt Nam chúng ta có một cụm từ rất hay đó là “tâm lý AQ”. Cụm từ ấy được hiểu là biết tự động viên, tự an ủi bản thân. Nhưng, những đứa trẻ này đã không làm được điều đó.

Giáo dục của chúng ta đang nặng về giáo huấn. Chúng ta không bắt đầu từ nhu cầu của chính đứa trẻ. Thay vì nghe trẻ giãi bày, từ đó hướng dẫn thì chúng ta yêu cầu. Khi đứa trẻ chỉ có duy nhất một mục tiêu bắt đầu bằng từ “Phải” thì lúc không đạt được, sự đổ vỡ sẽ xuất hiện. Nhiều sự lựa chọn sẽ giúp tâm lý của trẻ thoải mái hơn.

Dùng từ “Phải” nghĩa là đã có sự áp đặt trong đó. Vậy nên, thay vì dùng từ Phải ta hãy dùng từ “Nên” để trẻ có sự lựa chọn.

Dạy con về thất bại

Cụ thể bố mẹ cần làm gì khi con cái gặp cú sốc mang tên thất bại, nhất là thất bại trước ngưỡng cửa cuộc đời, thưa ông?

Dạy con về thất bại. Hãy để con hiểu, thất bại là thời khắc không phải quá trình. Đánh giá một người, ta đánh giá cả một quá trình chứ không phải thời điểm. Thời điểm này có thể thua người khác, nhưng cả quá trình lại chưa hẳn vậy.

Bên cạnh đó, bố mẹ, người thân và bạn bè cũng đừng nặng lời khi trẻ không làm được. Tác động bên ngoài ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến tâm lý của một đứa trẻ. Chia sẻ sẽ giúp trẻ được vơi đi về mặt cảm xúc, cảm nhận được sự đồng cảm, từ đó sẽ vượt qua.

Chúng ta cũng không nên gọi đó là thất bại mà hãy gọi là thử thách. Thất bại nghe nặng nề quá. Thử thách sẽ là, ta có thể vượt qua để lần sau tốt hơn.

Chúng ta thường được nghe một câu khá văn hoa “thất bại là cha là mẹ của thành công”. Nói thế để hiểu, động viên là điều vô cùng quan trọng.

Ai cũng phải trải qua những thất bại, không thất bại lần này sẽ thất bại ở lần khác. “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.  Chấp nhận sai lầm, nhận diện và khắc phục. Đó mới chính là con người trưởng thành và chín chắn.

TS Võ Văn Bản – Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt Pháp, Chủ tịch Hội tâm lý Trị liệu Việt Nam chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật. Ảnh: Phương Ly

Một chi tiết được nhiều người chú ý ở cô bé 18 tuổi tự tử tại Quảng Nam chính là, mẹ em đã qua đời. Trong xã hội hiện nay, vì nhiều lý do mà trẻ phải sống trong gia đình khuyết thiếu. Với những gia đình thế này, bố hay mẹ cần nuôi dạy con trẻ thế nào, thưa ông?

Những đứa trẻ không có đầy đủ cả bố lẫn mẹ là một điều thiệt thòi. Thiệt thòi cả về mặt tình cảm, về kinh tế và đương nhiên là cả giáo dục.

Khi thiếu một trong hai, người còn lại phải thực hiện cả thiên chức của bố hoặc mẹ. Trong hoàn cảnh này, ta có thể gặp tình huống, bố hoặc mẹ dành nhiều sự quan tâm để bù đắp và rồi vô thức dẫn đến nuông chiều trẻ quá mức. Đó là điều vô cùng tai hại. Chúng ta chỉ nên dành tình cảm cho con nhiều hơn một chút.

Một đứa trẻ thường học từ việc bắt chước hay còn gọi tập nhiễm những hành vi, cử chỉ cả ngữ điệu ngôn ngữ của người lớn. Thế nên, để trẻ phát triển bình thường ngoài việc dạy bảo bằng lời nói, bố mẹ hãy thể hiện chuẩn mực trong ứng xử, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày,.. trẻ sẽ học hỏi và tiếp thu những mẫu ứng xử của người lớn trong gia đình và ngoài xã hội. Ngoài ra, không nên bắt trẻ chỉ ở trong nhà với bố và mẹ, mà nên cho trẻ chơi, học cùng với nhóm bạn cùng lứa tuổi để trẻ hòa nhập tốt hơn với các bạn. Một đứa trẻ nhút nhát, sau khi ra đời sẽ gặp nhiều vấn đề về mặt cảm xúc. Trong khi, đứa trẻ được tiếp xúc, va chạm nhiều sẽ cứng cỏi hơn.

Hãy dành thời gian cho con nhiều hơn gấp đôi nhưng đừng bảo bọc con gấp đôi.

Giáo dục của chúng ta thiếu mất một điều, đó là dạy trẻ tính tự lập và nên n mhướng dẫn trẻ phải tự làm những việc đơn giản nhất, tự bước đi từ những bước đi chập chững, như tự đi tất, tự mặc quần áo,…khi trẻ làm tốt chúng ta nên có lời khen, điều này càng phấn khích trẻ làm tốt hơn. Hãy để trẻ phát triển tính tự lập, kể cả khi bị ngã cũng tự đứng dậy, tự lo cho mình, tất nhiên dưới sự kiểm tra của người lớn.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Lê Anh

(Thực hiện)

Bài học quý giá nhất là bài học bên mâm cơm

Bài học quý giá nhất là bài học lúc ăn cơm không phải ở giảng đường. Đó chính là chia sẻ, tâm sự, gần gũi. Dạy trên mâm cơm không phải dạy cách nấu ăn mà dạy cách đối nhân xử thế, dạy cách biết tôn trọng người khác, biết lắng nghe, biết sẻ chia,…