Cộng đồng mạng

Người trẻ “trốn tết” vì sợ những câu hỏi nhạy cảm, không dám đối mặt

TS. Tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng, nhiều người trẻ có xu hướng “trốn Tết” vì họ e ngại những câu hỏi khá nhạy cảm từ hàng xóm, người thân như: Bao giờ lấy chồng? Có người yêu chưa? Năm nay thưởng nhiều không?

Tết cổ truyền luôn được nhiều người mong chờ, vì đây là dịp để họ có thể đoàn tụ với bạn bè, người thân. Là dịp cùng nhau quây quần bên mâm cơm, ôn lại kỷ niệm cũ, chia sẻ dự định cho năm mới.

Tuy nhiên, hiện nay không ít người trẻ lại có sở thích “trốn Tết”. Họ viện đủ lý do để không phải về ăn Tết với gia đình. Vậy đâu là nguyên nhân? PV đã có cuộc trò chuyện với TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) để tìm câu trả lời.

Theo TS. nguyên nhân từ đâu mà người trẻ lại xuất hiện ý định “trốn Tết”?

Vấn đề này chúng ta có rất nhiều khía cạnh để bàn. Đầu tiên là do sự phát triển của xã hội. Môi trường sống, môi trường làm việc thay đổi khiến họ có nhiều áp lực nên tận dụng thời gian nghỉ Tết dài ngày họ lựa chọn đi du lịch để hưởng thụ. Hơn nữa, Tết các địa phương thường có nhiều lễ hội, các hoạt động văn hóa giúp người ta có thể trải nghiệm.

Đặc biệt, nhiều người đang nghĩ rằng, một năm đã về quê vài lần rồi nên chuyện Tết cũng không quan trọng. Vì thế, nhiều người còn khuyến khích gia đình đi chơi Tết cùng.

Nhưng điều quan trọng hơn là họ sợ dư luận. Nhiều người sợ những câu hỏi nhảy cảm như: Bao giờ lấy chồng? Người yêu ở đâu sao không đưa về? Nhiều tuổi sao còn không cưới. Đi du lịch ngày Tết đồng nghĩa với việc họ đang trốn tránh, không dám đối mặt. Đáng lẽ những câu hỏi đó là rất bình thường, chúng ta có thể trả lời rất thật, nhưng họ lại thấy e ngại khiến xu hướng “trốn Tết” ngày càng tăng lên.

Nhiều người trẻ "trốn Tết" vì những câu hỏi nhạy cảm.

Với suy nghĩ và hành động như thế này của người trẻ vào mỗi dịp Tết liệu bố mẹ có thất vọng?

Tôi nghĩ bố mẹ của họ sẽ buồn nhiều hơn là thất vọng. Bởi, việc sum họp vầy dịp lễ Tết luôn được bố mẹ mong chờ nhất vì đó là điều hạnh phúc. Nhưng, buồn đến mức nào, có thể chịu đựng được hay không là còn tùy thuộc vào từng người.

Khi con cái thỏa hiệp đi du lịch, đương nhiên bố mẹ sẽ đồng ý và tôn trọng sở thích cá nhân của con. Nhưng từ sâu bên trong họ lại có mong muốn khác, người trẻ khó lòng mà hiểu được điều này.

Không chỉ người trẻ, mà hiện nay một số nàng dâu cũng đang có xu hướng chọn đi du lịch thay vì lo Tết cho nhà chồng. Theo TS. đây có phải là cách “trốn Tết” của họ?

Việc nàng dâu chọn đi du lịch để không phải lo Tết nó chỉ mang tính đại diện. Bởi, Tết thời nay không còn nhiều công việc như xưa, công việc bếp núc, nội trợ đã đơn giản hóa đi rất nhiều. Có lẽ, họ cũng muốn theo xu hướng hưởng thụ, xem đó là khoảng thời gian gần nhau.

Hơn nữa, nhiều cặp vợ chồng đang sống quá xa gia đình, Tết họ không có điều kiện về quê được vì kinh tế khó khăn, đi lại tốn kém nên họ chọn những địa điểm gần nhà để đi chơi. Còn mỗi dịp Tết, những ai ở xa gia đình chẳng mong được về để gặp bố mẹ.

TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh.

Vậy người trẻ nên làm gì để Tết luôn sum họp, đoàn viên?

Việc về quê ăn Tết với bố mẹ luôn phải được đặt lên hàng đầu, nếu như không thể về đúng dịp Tết thì chúng ta có thể về trước hoặc sau Tết.

Theo quan điểm của tôi, người trẻ nên biết tự cân bằng mọi việc. Nếu có cơ hội hãy trò chuyện, chăm sóc, lắng nghe những tâm sự của bố mẹ hàng ngày chứ không chỉ ngày Tết để từ đó chúng ta làm tròn chữ hiếu. Sau đó, nếu có ý định muốn đi du lịch dịp Tết thì hãy tâm sự mong muốn của mình với bố mẹ. Có như vậy bố mẹ cũng yên tâm hơn phần nào và thoải mái những ngày Tết.

Trong quá trình đi chơi Tết người trẻ cũng nên thường xuyên gọi điện về nhà hỏi thăm và chúng Tết bố mẹ.

Cảm ơn TS. về cuộc trò chuyện!

Mai Thu