Xã hội

Người thương binh "chết đi sống lại" và những phép màu tình yêu

Ít ai có thể ngờ, người thương binh Trần Mạnh Tuấn với thương tật tới 81%, liệt nửa người nhưng lại sở hữu hàng chục tấm huy chương môn thể thao bắn súng trường, bơi lội, xe lăn....

Người thương binh chiến thắng "tử thần"

Thương binh Trần Mạnh Tuấn, sinh năm 1953, tại Hà Nội. Hiện ông Tuấn cùng vợ sinh sống tại khu tập thể chính sách Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội.

Ông Tuấn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Vào năm 1971, sau khi học xong lớp 10, ông Tuấn lên đường nhập ngũ, tham gia vào đoàn quân Nam tiến. Trong một trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, ông Tuấn bị thương nặng do trúng trận pháo kích của địch. Mặc dù may mắn sống sót nhưng ông Tuấn bị thương khá nặng, gãy 2 đốt sống cổ, lún hộp sọ, phần ruột cũng bị tổn thương nặng phải cắt đi 1.5m.

Theo lời kể của ông Tuấn, thời điểm đó, ông bị thương rất nặng, "tưởng như không qua khỏi". Ông được chuyển đến rất nhiều viện, đến đâu bác sĩ cũng "lắc đầu". Tuy nhiên, với bản lĩnh của người lính cụ Hồ, ông Tuấn đã kiên trì tập luyện, giành giật cuộc sống của chính mình với "tử thần". Và đặc biệt, nhờ tình yêu của cô nữ sinh sư phạm, ông Tuấn đã làm nên những điều kỳ diệu.

Theo ông Tuấn, khi ông đang nằm trên trại điều dưỡng thương binh 27/7 Phú Thọ thì có gặp cô nữ sinh sư phạm tên Hồ Thị Phương. Ngày ấy, bà Phương lên thăm anh trai đang cùng điều trị với ông Tuấn. Khi đó, chứng kiến ông Tuấn nguy kịch và bị đưa xuống nhà xác, bà Phương không chịu chấp nhận. Linh tính mách bảo, 1h sáng, bà Phương chạy xuống đập cửa nhà xác và cùng y sĩ đưa ông Tuấn lên phòng cấp cứu.

Trở về giường bệnh, ông Tuấn mới biết rằng chính em gái người bạn giường bên đã cứu sống mình. Cũng từ đó, mỗi khi được nghỉ, bà Phương lại vượt mấy chục cây số lên thăm anh trai và ông Tuấn.

Rồi như có phép màu, từ khi gặp bà Phương, bệnh tình của chàng thương binh tên Tuấn có nhiều chuyển biến tích cực. Một năm sau, cô giáo Phương và thương binh Tuấn cưới nhau. 

Để lo cho gia đình, lo cho chồng con, cô giáo Phương phải nghỉ dạy, làm nhiều nghề bươn chải. Nhiều lúc gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai gầy của mình, bà Phương đã muốn gục ngã. Nhưng rồi tình yêu với chàng thương binh tên Tuấn, vợ của người lính cụ Hồ đã vượt qua tất cả. Cuộc sống gia đình của vợ chồng ông Tuấn lúc nào cũng rộn rã tiếng cười khi 2 cô con gái lần lượt ra đời.

Nói về người vợ của mình, ông Tuấn cho biết, ông luôn biết ơn bà Phương, người vợ tần tảo, cam đảm dám hy sinh tuổi xuân để lấy một người thương binh nặng 81%.

"Kỳ tích" giữa đời thường 

Vào năm 1988, ông Tuấn ra quân với thương tật 81%, là thương binh hạng 1/4 đặc biệt. Sau đó khi Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật Hà Nội ra đời năm 1990, ông Tuấn đã tham gia hoạt động và bén duyên với hàng chục tấm huy chương về các bộ môn xe lăn, bơi lộn và bắn súng, bóng rổ ở các kỳ Đại hội Thể thao trong nước và quốc tế.

Theo đó, vào năm 2003, ở giải tiền Paragames 2 và Paragames 2 được tổ chức tại Việt Nam, vận động viên bơi lội với đôi chân liệt mang tên Trần Mạnh Tuấn đã giành 4 huy chương trong đó 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.

Thương binh Trần Mạnh Tuấn giành nhiều tấm huy chương môn thể thao bắn súng trường

Với môn bắn súng, ông Tuấn cũng giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao khuyết tật toàn quốc năm 1997, tại Asean Paragames năm 2001, Paralympic games năm 2004. Ngoài ra ông còn đạt nhiều thành tích xuất sắc trong môn xe lăn ở Đại hội thể thao Châu Á - Thái Bình Dương dành cho người khuyết tật…

Chia sẻ về những "kỳ tích" mà mình đạt được, ông Tuấn cho biết, từng đối diện giữa ranh giới "sự sống và cái chết", nên ông rất trân trọng cuộc sống và phải sống có ích. Mặc dù bị liệt nửa người, trên mình mang nhiều vết thương nhưng khi lắp viên đạn hay trước những vòng xe lăn ra sân tập, bản chất người lính lại trỗi dậy.

"Bao năm kháng chiến vào sinh ra tử, vất vả gian nan đều đã từng nếm trải nên mình không dễ thua cuộc trong những thử thách của số phận", ông Tuấn chia sẻ.

Thời điểm đó, mỗi khi tập luyện, vết thương cũ lại tái phát, ông Tuấn dừng lại nén đau rồi tiếp tục tập luyện. Theo ông Tuấn, có những đêm 1, 2 giờ sáng, khi ngoài trời gió rét căm căm, mưa phùn, ông Tuấn vẫn một mình đi xe lăn lên hồ Gươm hay hồ Tây để tập luyện.

Với môn bơi lội, ông Tuấn cho biết đó là một quá trình vất vả và thử thách đầy gam go. Vì thân dưới không thể cử động nên ông rất khó để cơ thể giữ thăng bằng và nổi trên mặt nước. Có những hôm không nhờ được bạn bè khiêng từ xe lăn vào bể bơi, ông phải tự mình "đi" bằng cách bò lết xuống đất di chuyển bằng hai tay từng chút một...

Ông Tuấn vui vầy bên các con, cháu.

Nói với người bố đáng kính của mình, chị Hà Thương (sinh năm 1988, con gái ông Tuấn) cho biết: "Khi bắt đầu biết suy nghĩ, cũng là lúc tôi làm quen với hình ảnh bố ngồi trên xe lăn. Nhìn đôi chân teo nhỏ, những vết sẹo dài dọc ngang lưng bố, tôi chẳng thấy lạ, sợ lại càng không".

"Tôi nhớ cách đây 20 năm, khi Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức SEA Games 22 (2003), lúc ấy Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình được khánh thành và đưa vào sử dụng. Tôi lần đầu được đến Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, cứ chạy dọc hành lang khán đài, chạy theo những sải bơi của bố để cổ vũ, hạnh phúc sung sướng vỡ oà khi bố giành được 4 huy chương nội dung bơi lội cá nhân", chị Thương chia sẻ.

Theo chị Thương, những năm 199 mấy về trước, khi đó mới có cái điện thoại bàn, 3 mẹ con luôn mong đợi bố nối máy gọi về khi bố đi thi đấu quốc tế.

Cũng theo chị Thương, tuổi thơ của chị, gắn liền với những ngày tháng tha thẩn cùng bố tại sân Hàng Đẫy, sân quần ngựa để xem bố tập luyện... Đó là những kỉ niệm, những hồi ức đẹp đẽ theo chị cả cuộc đời.

Được biết, hiện tại ngoài tham gia một số hoạt động văn nghệ với các đồng đội vào những ngày kỷ niệm quan trọng, ông Tuấn chủ yếu dành thời gian bên gia đình, vui vầy bên con cháu.

"Đến với thể thao, tôi như quên hết bệnh tật, đó chính là phương thuốc kỳ diệu giúp chúng tôi chiến thắng được cơn đau của chính mình", ông Tuấn lạc quan chia sẻ.

Hoàng Yên