Người thầy truyền cho tôi tình yêu Triết học

"Triết học không phải cái gì quá cao siêu và trừu tượng, triết học ở trong chính cuộc sống, đi vào từng ngõ ngách cuộc đời" - những lời của thầy ngày đầu lên giảng đường đã giúp chúng tôi xua đi lo lắng về môn học có tiếng là “khô, khó, khổ”.

“Thưa thầy, em đã thuộc

Bài học sáng nay

Trong bài giảng

Có bụi phấn trắng

Bay bay trên tóc thầy”.

Những ca từ trong trẻo ấy mỗi lần vang lên lại đem đến cho tôi cảm xúc về một thời cắp sách và nỗi nhớ về người thầy đã gieo vào tôi niềm đam mê khoa học và lửa nhiệt tình cuộc sống. Đó là PGS.TS Trần Đăng Sinh – nguyên Trưởng khoa Triết học – trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tôi nhớ như in ngày đầu tiên lên lớp, thầy mời mọi thành viên tự giới thiệu về bản thân, nói về ước mơ, nguyện vọng của mình. Thầy bảo “cả thầy và trò đều lạ lẫm, nên cần ít thời gian làm quen trước khi bắt đầu vào học phần”. Ai cũng hào hứng về “màn” giới thiệu này và không khí lớp học sôi nổi hơn, xua đi lo lắng về môn học có tiếng là “khô, khó, khổ”.

Sau đó, thầy hỏi cả lớp: “Trong các em ngồi đây, những ai đã từng rơi vào trạng thái bế tắc, chán nản?”. Rất nhiều cánh tay giơ lên. Thầy nói: “Các em biết không? Ai sống trong đời này đều mang trong mình những nỗi khổ riêng”.

Thoáng trầm ngâm một vài giây, thầy chậm rãi giải thích: “Triết học không phải cái gì quá cao siêu và trừu tượng. Triết học ở trong chính cuộc sống này, đi vào từng ngõ ngách cuộc đời. Tại sao có hạnh phúc và khổ đau, có thành công và thất bại, có sống và chết... Triết học sẽ lý giải những điều đó và khi đã hiểu thì các em sẽ làm chủ được mọi cảm xúc tiêu cực và tìm ra cho mình cách vượt qua. Triết học chính là cuộc đời các em ạ!”.

Những lời lẽ thâm trầm mà nhẹ nhàng của buổi học đầu tiên ấy khắc sâu trong tâm trí tôi. Rồi những bài giảng của thầy nối tiếp đi qua, những nguyên lý, phạm trù, quy luật... cứ ngày càng in đậm trong lớp sinh viên chúng tôi ngày ấy. Những trang giáo án, những dòng chữ thầy viết trên tấm bảng đen như trĩu nặng một nỗi trăn trở và suối nguồn yêu thương.

Suốt những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường, tôi chưa bao giờ quên bài học về cuộc sống mà thầy lồng ghép trong mỗi trang lý luận. Được nghe những bài giảng đầy tâm huyết, trải lòng của thầy về cuộc đời và nghề giáo, mỗi sinh viên chúng tôi càng trưởng thành hơn.

PGS. TS. Trần Đăng Sinh phát biểu tại Lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên.

Mỗi mùa thu qua, mỗi mùa phượng cháy, mái tóc thầy lại bạc thêm. Dù thời gian có thể làm nhoà nhiều thứ nhưng sao có thể quên được sự giản dị trong phong cách, dáng đi cần mẫn, những lời nói đầy ấm áp của thầy trên bục giảng hay những lúc thầy nghiêm nghị nhắc nhở học trò mắc lỗi. Mỗi giờ giảng của thầy là mỗi bài học quý báu, ở đó không chỉ là tri thức, mà còn là sự chắt chiu mọi lẽ sống trên đời mà thầy truyền lại cho thế hệ trẻ.

Khi chúng tôi tốt nghiệp, đứng trước vô vàn băn khoăn, thầy tâm sự rằng, nhà trường trang bị cho các em kiến thức và phương pháp chung, còn bản thân các em phải biết vận dụng một cách linh hoạt và chủ động những kiến thức, phương pháp ấy vào cuộc sống của chính mình. Mỗi con người đều có những thăng trầm khác nhau trên hành trình mà mình đi tới.

Thầy giúp bản thân tôi cũng như nhiều thế hệ học trò có niềm tin và lạc quan hơn vào cuộc sống, dũng cảm đối diện với thử thách. Nhiều năm qua đi nhưng sâu thẳm nơi trái tim tôi vẫn là bóng dáng các thầy cô và thầy là một người rất đặc biệt trong miền ký ức ấy.

Dù ở bất cứ phương trời nào, nhà giáo Trần Đăng Sinh vẫn là người thầy mà tôi vô cùng biết ơn và kính trọng. Thầy đã làm trọn sứ mệnh thiêng liêng của một nhà giáo là truyền cảm hứng và giúp cho chúng tôi tin vào cuộc đời, vào tình người rộng mở, chứa chan.

Xin được gửi đến thầy và các thầy cô giáo lời tri ân sâu sắc nhất nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam này!

Trò cũ của thầy!

Huệ Anh