Người thầy của chồng tôi

Mỗi lần chuông điện thoại reo, chồng bảo người ở quê gọi. Tôi biết chắc ngoài bố mẹ chồng thì chỉ có thể là thầy Quý, người thầy đáng kính của chồng tôi.

 

Thầy của chồng tôi vô cùng giản dị và thân thiện (Ảnh minh họa).

“Hai vợ chồng có khỏe không? Tết này có về quê chơi với ông bà già không? Hai đứa có tin vui gì chưa?...”, thầy thường hỏi chồng tôi những câu hỏi như thể người nhà. Mà thật, từ lâu, chồng và tôi đều xem thầy như người thân, một người thân đáng kính.

Tôi nhớ, lúc mới yêu nhau, trên chiếc xe máy cà tàng vượt mấy tỉnh thành trong từng chuyến công tác, chồng hay kể tôi nghe về quê, về bố mẹ, những mối tình học trò… và thầy Quý.

Qua lời chồng kể, tôi hình dung thầy rất nghiêm nghị nhưng thật thân thiện với học trò. Chồng tôi bảo: “Lúc thầy làm chủ nhiệm, anh là đứa cứng đầu, nắm trùm đám con trai quậy phá trong lớp. Chắc lúc đó, thầy cũng chán anh lắm. Vậy mà, một ngày đầu năm học, thầy đạp xe vào thẳng nhà anh và mang theo một số bộ quần áo cũ. Thầy gặp bố mẹ anh đưa cho họ mấy bộ quần áo rồi bảo bố mẹ động viên anh cố gắng học hành”.

Sau lần biết thầy cho quần áo, tính tự ti của chồng tôi nổi lên. Anh không những không cảm động mà còn tỏ ra ghét thầy vì nghĩ thầy làm mình “quê” với đám “đàn em”. Thế rồi, bố mẹ của anh bảo, hành động của thầy xuất phát từ tấm lòng thương yêu học trò. Anh ấy mới từ từ thôi phóng ánh mắt hằn học vào thầy chủ nhiệm.

Sau đó, anh được thầy kéo vào các phong trào của lớp. Thầy hồ hởi rủ anh đạp xe đi chặt cây rừng về trang trí cổng trại, thầy chở anh đi “tút lại vẻ đẹp trai” để thi Học sinh thanh lịch. Dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, hai thầy trò còn đạp xe xuyên đêm, vượt bùn lầy đi kiểm tra các bạn nữ trong xóm tập văn nghệ.

Thầy chỉ anh cách đọc diễn cảm bài thơ do chính anh sáng tác để tặng thầy cô trong ngày 20/11… À, thầy còn bảo anh: “Em đừng có yêu con bé K., thầy thấy nó không ổn, lo học đi…”…”, chồng tôi cười sảng khoái khi kể lại từng kỷ niệm với thầy.

Nhờ thầy, sức học của chồng tôi ngày một tiến bộ và tự tin nộp hồ sơ dự thi đại học. Thầy luôn cho chồng tôi một niềm tin là anh đủ sức đậu vào ngôi trường mà anh yêu thích. Ngày thi đại học, gia đình chồng tôi không có xe máy, thầy cũng tình nguyện dùng xe chở anh vượt hơn 70km đi thi.

Lúc nào, ông cũng tin chồng tôi sẽ đậu đại học, sẽ tự mở được cánh cửa tương lai, không phải đi cuốc thuê nữa. Sự tự tin của thầy lan tỏa trong tâm trí chồng tôi, khiến anh ấy cũng có thêm thật nhiều hy vọng.

Thế nhưng, sau những tháng ngày ôn luyện miệt mài cùng thầy, luôn tự tin ở môn Văn học, kết thúc kỳ thi, chồng tôi lại có điểm số tồi tệ đến không thể ngờ. Điểm số của anh trái ngược hoàn toàn với sức học, suy nghĩ của cả hai thầy trò.

Dù luôn được đánh giá là “thằng học trò” học tốt các môn xã hội nhất trong đám con trai của lớp nhưng sau khi thi, điểm số của chồng tôi thấp nhất trong cả bọn.

Lúc xem điểm, chồng tôi như một người khác. Anh nói, lúc ấy anh như già đi chục tuổi. Anh không buồn mà cảm thấy đau cái đau của người vừa đánh mất niềm kiêu hãnh.

Anh trở về nhà trong trạng thái không giống ngày thường. Anh không vui cười, không thèm đếm xỉa đến lời gọi mời đi chơi của lũ bạn. Chồng tôi về nhà, leo lên chỗ mấy tấm ván nơi gác mái, ngồi còn đụng đầu nằm im.

Đến tối, khi những tiếng gọi ý ới của chúng bạn thưa dần, anh nghe tiếng xe quen thuộc của thầy dừng trước sân. Thầy vào nhà, chào bố chồng tôi rồi an ủi ông đừng quá buồn vì chuyện thằng Hà thi rớt. Thầy biết bố chồng tôi hy vọng nơi chồng tôi rất nhiều và cũng chính thầy thắp thêm niềm hy vọng, tự tin ấy cho ông.

Nói đoạn, thầy giở gói cá khô đặc sản từ quê thầy gửi vào rồi nói: “Nay em có ít cá khô đến để san sẻ nỗi buồn với anh chị và cả với thằng Hà nữa”. Bố chồng tôi nói, ông không buồn cũng không thất vọng vì chưa bao giờ ông áp lực việc chồng tôi phải đậu đại học.

Nhưng ông lo kết quả sẽ khiến chồng tôi đổ vỡ, đâm chán nản rồi theo đám bạn xấu. Ông buồn khi thấy con trai vác cuốc sau lưng ông đi làm thuê cho người khác nhưng càng buồn hơn khi con ông không thể đứng dậy khi vấp ngã.

Tuy nhiên, thầy Quý nói: “Nó là đứa đặc biệt. Sau cú sốc này nó sẽ lớn hơn”. Nói đoạn, thầy nhờ em gái của chồng tôi đi tìm anh ấy về. Khi hai thầy trò gặp nhau, thầy lấy trong cặp ra cái bình thủy tinh đựng thứ nước màu đỏ đậm.

Chồng tôi bảo đó là rượu chuối hột. Thầy kéo anh ấy ngồi xuống, vừa rót rượu ra ly vừa nói: “Em chưa thấy thầy nhậu bao giờ đúng không?. Thầy không biết nhậu và không thích nhậu nhưng đôi khi mình phải làm điều mình không thích. Vượt qua điều mình không thích mới tốt. Tối nay, thầy và em, bố của em nhậu một bữa cho quên đi cái buồn cỏn con của em”.

Trong cuộc rượu, tình thầy trò xa cách, gượng ép trước đây gần như tan biến để thay vào đó thứ tình cảm như bạn bè, người thân, thầy dạy chồng tôi “hãy tiếp tục chinh phục một ngọn núi khác”…

Sau ngày ấy, người ta không thấy chồng tôi trong quán nước, sân bóng nữa. Anh vác cuốc theo cha mẹ đi làm thuê. Tối đến, anh từ chối các cuộc nhậu, đánh game để cầm sách quyết tìm ra nguyên nhân anh thi trượt.

Và rồi, anh xuống Sài Gòn ôn thi và đậu vào trường đại học Sư phạm TP.HCM.

Đã có lúc anh nghĩ sẽ theo bước chân thầy, đem những tình cảm của thầy nhân rộng hơn đến những thế hệ sau anh. Thế nhưng, người không chọn được nghề. Khi anh quyết theo nghề báo, anh đã sợ thầy buồn. Nhưng cái lo ấu trĩ ấy sớm tan biến khi thầy biết tin đã động viên và cho biết thầy rất tự hào về đứa học trò từng rất ngỗ nghịch.

Từ những lần nghe anh say sưa kể chuyện về thầy, tôi biết thầy rất quan trọng đối với anh. Tự tâm tôi có chút lo lắng, người ta về ra mắt gia đình chồng sợ đối mặt với bố mẹ chồng, tôi đây còn sợ thêm thầy của chồng. Biết đâu được, lỡ thấy tôi, thầy lại bảo: “Thầy thấy con bé này không được đâu…”.

Ấy vậy, bên ly trà đầu năm, thầy nói như rút ruột với tôi: “Tính H. hiền lành như bố của nó. Tính tình chân chất, nghĩ sao nói vậy nên rủi mà nó có gàn dở, em cũng đừng có trách hay hờn giận”.

Lúc ấy, tôi không biết diễn tả cảm xúc ấy như thế nào cho phải. Nhưng, tôi biết từ giây phút đó, tôi cũng yêu kính thầy như chồng của tôi từng và mãi yêu kính thầy.