Tài chính - Ngân hàng

Người quen biết mặt vừa ngồi ghế nóng BIDV là ai?

Sau hai năm trống vị trí Tổng Giám đốc, ngân hàng BIDV vừa bổ nhiệm ông Lê Ngọc Lâm đảm nhiệm chức vụ trên.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) vừa thông báo về việc bổ nhiệm ông Lê Ngọc Lâm -Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành - giữ chức vụ Tổng Giám đốc ngân hàng kể từ ngày 12/3/2021. Thời hạn giữ chúc vụ là 5 năm.

Từ nay, ông Lâm cũng chính thức trở thành người đại diện pháp luật của ngân hàng do tại ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông ngân hàng cũng đã thông qua việc thay đổi đại diện pháp luật từ Chủ tịch HĐQT sang Tổng giám đốc.

Trước đó, ông Lâm cũng vừa được ĐHĐCĐ thường niên của ngân hàng (diễn ra cùng ngày) bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022. 

Như vậy là ban điều hành của BIDV hiện có một Tổng Giám đốc và 8 Phó tổng giám đốc gồm: ông Quách Hùng Hiệp; ông Trần Phương; ông Lê Trung Thành; ông Nguyễn Thiên Hoàng; ông Hoàng Việt Hùng; ông Phan Thanh Hải và 3 thành viên khác gồm: ông Sung Ki Jung - thành viên Ban Điều hành; ông Từ Quốc Học - Trưởng Khối Giám sát và Tuân thủ và bà Tạ Thị Hạnh - Kế toán trưởng.

Ông Lê Ngọc Lâm sinh năm 1975, bắt đầu làm việc tại trụ sở chính BIDV từ năm 1997. Trong 23 năm làm việc tại BIDV, ông đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo: Phó Giám đốc ban Quản lý rủi ro tín dụng, Phó Giám đốc BIDV Sở Giao dịch 1, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng, Giám đốc ban Khách hàng doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành BIDV. 

Năm 2020, BIDV cho biết lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 7.223,56 tỷ đồng, giảm 15,49% so với cùng kỳ năm trước (8.547,75 tỷ đồng) dù doanh thu ngang ngửa ngân hàng top đầu là Vietcombank.

BIDV cho biết nguyên nhân lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm là do ngân hàng giảm thu nhập để thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19 theo chủ trương chung của nhà nước như miễn giảm lãi, phí cho khách hàng, cơ cấu nợ theo thông tư 01.

Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng 12-15%. Tăng trưởng dư nợ tín dụng bảo đảm tuân thủ giới hạn tín dụng của NHNN giao, tăng 10-12%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ diễn ra hôm 12/3, khi được cổ đông hỏi: "Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 13.000 tỷ đồng, vậy động lực nào để đạt được mức này?", ông Lê Ngọc Lâm cho biết: Trong cơ cấu thu nhập dự kiến năm 2021, thu nhập ròng từ lãi tăng khoảng 19%. Ngân hàng cũng sẽ thúc đẩy các ngoàn thu phi lãi, tăng khoảng 16-17%. Thu hồi nợ ngoại bảng khoảng 8.000 tỷ.

Đồng thời, thông qua việc chuyển đổi Chi nhánh Yangon thành ngân hàng con có vốn điều lệ sẽ là 100 triệu USD, tăng 15 triệu USD. Dự kiến ngân hàng con sẽ đem về lợi nhuận trước thuế hàng năm trung bình 1,5 triệu USD/năm.

Minh Minh