Góc nhìn luật gia

Người quản lý khu biệt thự 3.400m2 ở Tam Đảo có thể khởi kiện

Theo luật sư Đặng Văn Cường, người quản lý khu đất 3.400m2 ở Tam Đảo có thể khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.

Khu đất 3.400m2 ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) do Trịnh Xuân Thanh dùng công quỹ để mua đã được chuyển nhượng cho cá nhân khác. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, hội đồng xét xử đã tuyên trả lại khu đất trên cho PVC để đảm bảo quyền lợi của PVC. 

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: Nội dung bản án sơ thẩm tuyên người đang quản lý lô đất 3.400m2 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc phải trả cho PVC. Nội dung này có thể sẽ bị kháng cáo bởi bị cáo Trịnh Xuân Thanh và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vì đây chỉ là bản án sơ thẩm. Nếu không đồng ý với phần dân sự trong bản án hình sự này thì bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo để đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung này.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo nội dung bản cáo trạng thì năm 2009, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo tạm ứng sai quy định cho PVC Kinh Bắc (doanh nghiệp do Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng, Giám đốc công ty TNHH Xây dựng Đào Viên, lập ra để thực hiện một hợp đồng tại dự án Polyester Đình Vũ, cũng một đại dự án đắp chiếu khác do PVC thực hiện) 25 tỷ đồng để PVC Kinh Bắc mua lô đất này.

Sau đó, để hợp thức hóa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo làm thủ tục chuyển số tiền này thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc và yêu cầu Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho mình. Để nhận quyền chuyển nhượng, Trịnh Xuân Thanh đã lập ra công ty Mai Phương, nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật.

Sau đó, công ty này được chuyển nhượng cho vợ Trịnh Xuân Thanh là bà Trần Dương Nga và năm 2016, bà Nga chuyển nhượng cho Kiều Đào Lâm (trú tại phường Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với giá 45 tỷ đồng, bao gồm cả khu đất 3.400m2 ở Tam Đảo.

Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: “Như vậy, theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì người đang quản lý sử dụng lô đất trên có thể được xác định là người thứ ba ngay tình. Người đã đứng ra mua lô đất trên không biết được lô đất này là do phạm tội mà có. Bởi vậy, pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình”.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trả lời thẩm vấn tại tòa.

Vị luật sư phân tích: “Điều 133, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, khi giao dịch dân sự vô hiệu. Theo đó, luật chia ra các trường hợp cụ thể.

Khoản 1 Điều 133: Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

Khoản 2 Điều 133: Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Khoản 3, Điều 133 quy định: Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.

Khu biệt thự ở Tam Đảo (ảnh lớn) và Trịnh Xuân Thanh (nguồn ảnh: internet).

Cũng theo luật sư Cường: “Nếu tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc Trịnh Xuân Thanh phải trả lô đất 3.400 m2 ở Tam Đảo cho PVC thì phần nội dung bản án này không thể thực hiện được, bởi Trịnh Xuân Thanh không còn lô đất đó.

Còn nếu tuyên Kiều Đào Lâm (người đang đứng tên sử dụng khu đất) là người phải trả lại đất cho PVC thì cũng không phù hợp với quy định về người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự (theo Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã phân tích ở trên), đồng thời lô đất này được xác định là do tiền chi sai nguyên tắc của PVC để mua mà có được chứ không phải là lô đất của PVC. Bởi vậy, vấn đề này sẽ có nhiều quan điểm trái chiều gây tranh cãi và rất có thể sẽ bị kháng cáo về phần dân sự trong bản án này nếu như đụng chạm quyền lợi của người thứ ba ngay tình”.

“Việc giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự, đặc biệt lưu ý đến quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, luật sư Cường cũng phân tích thêm: “Nguyên tắc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đối với những tài sản là vật mặc định thì có thể thu hồi. Ví dụ, những vật được xác định là “vật chứng” của vụ án hình sự thì sẽ bị thu hồi theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Còn đối với những tài sản do phạm tội mà có là tiền, là vật cùng loại và đã được đưa vào lưu thông, không còn xác định được đặc điểm, chủng loại của vật bị chiếm đoạt, bị đối tượng phạm tội làm thất thoát thì cần xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người phạm tội.

Khi vật chứng của vụ án là vật cùng loại đã được chuyển hóa thành các loại tài sản khác trong các quan hệ dân sự và xuất hiện người thứ ba ngay tình thì phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự để bảo vệ người thứ ba ngay tình thì mới đúng chính sách, đúng các nguyên tắc của pháp luật, bảo vệ được “người ngay” và quy trách nhiệm đối với kẻ gian”.

Hường - Thúy