Dân sinh

Người phụ nữ “thả rông” vòng 1 mặc áo mỏng tang tại chùa, có bị xử phạt?

Trước hình ảnh người phụ nữ "thả rông" vòng 1, mặc áo mỏng tạo dáng chụp ảnh phản cảm khi đi lễ chùa, nhiều người thắc mắc người phụ nữ này có bị xử lý hay không?

Những ngày gần đây, hình ảnh người phụ nữ “thả rông” vòng 1, tạo dáng chụp ảnh phản cảm khi đi lễ chùa được lan truyền trên mạng xã hội. Ngay sau đó, những hình ảnh này vấp phải phản ứng dữ dội của mọi người. 

Trong bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, người phụ nữ diện một chiếc áo xuyên thấu với quần jeans, nhưng điều đáng nói là người này hoàn toàn không sử dụng nội y, ''thả rông'' vòng 1. Đặc biệt, trong những bức ảnh check-in của người phụ nữ này còn tạo dáng bên cạnh một cậu bé.

Hình ảnh người phụ nữ "thả rông" vòng 1 gây bức xúc dư luận.

Trước những hình ảnh đó, nhiều người thẳng thắn bày tỏ sự phản đối gay gắt về hành động của cô gái khi ăn mặc lố lăng ở chốn tôn nghiêm. Ngoài ra, không ít người lên án việc cô gái vô tư “thả rông” vòng 1 khi chụp ảnh với một đứa trẻ. Nhiều người thắc mắc việc cô gái vô tư “thả rông” vòng 1, tạo dáng chụp ảnh phản cảm nơi linh thiêng như vậy có bị xử phạt hay không?

Để giải đáp thắc mắc trên, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Theo luật sư Cường, việc ăn mặc phản cảm, nói năng thô lỗ nơi hoạt động tín ngưỡng, thờ tự, các cơ sở tôn giáo là hành vi vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm các quy tắc ứng xử trong cộng đồng và hành vi này sẽ bị xã hội lên án.

Luật sư Đặng Văn Cường

“Trong xã hội, hành vi của con người được điều chỉnh bởi các quy phạm (quy tắc ứng xử chung), trong đó có quy phạm pháp luật và quy phạm xã hội. Chỉ có những quan hệ pháp luật quan trọng, có thể tác động ảnh hưởng lớn đến xã hội thì mới điều chỉnh bằng pháp luật, còn lại sẽ điều chỉnh bằng các quy phạm xã hội trong đó có quy phạm đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo...

Hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự, ngoài ra còn có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự. 

Hành vi vi phạm đạo đức xã hội chỉ bị xã hội cười chê, lên án, chứ không bị áp dụng các chế tài của pháp luật.

Đối với hành vi vi phạm hành chính sẽ bị phạt tiền, cảnh cáo hoặc bị áp dụng một số biện pháp hành chính. Tuy nhiên, quá trình thay đổi của pháp luật có những hành vi có thể được Phi hành chính hóa hoặc được Hành chính hóa để quản lý”, luật sư Cường chia sẻ.

Theo luật sư Cường, phần lớn, những con người bình thường đều ý thức và nhận thức được rằng đến những nơi thờ tự, tôn nghiêm, các cơ sở tôn giáo thì phải “đi nhẹ, nói khẽ, ăn mặc lịch sự”, không hở hang, tôn trọng quy tắc nơi thờ tự tín ngưỡng. Tuy nhiên, thực tế trong đời sống xã hội không ít những trường hợp ăn mặc phản cảm, nói năng thô lỗ, thậm chí còn gây rối trật tự nơi thờ tự, trộm cắp... Những hành vi này tùy từng thời điểm, tùy vào mức độ có thể bị xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xã hội cười chê, lên án.

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay: “Việc ăn mặc nghiêm chỉnh, kín đáo, lịch sự khi bước vào chốn tâm linh, nơi thờ tự đã trở thành một quy tắc bất thành văn mà dường như người Việt nào cũng phải biết, đây là nét văn hoá phổ biến chung. Pháp luật cũng đã luật hóa, quy định ứng xử trên trở thành nguyên tắc theo quy định tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau: Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.

Một quy phạm pháp luật đầy đủ sẽ bao gồm phần giả định (nêu ra những tình huống, sự kiện có thể xảy ra trong đời sống xã hội), phần quy định (là bắt buộc, yêu cầu chủ thể phải thực hiện hoặc cho phép tùy nghi thực hiện) và phần chế tài (là sẽ bị xử lý nếu như vi phạm các quy định đã đề ra của pháp luật). Những quy định sẽ nằm ở một văn bản và phần chế tài sẽ nằm ở một văn bản khác. Có những quy định có chế tài, có những quy định thiếu chế tài, nói cách khác pháp luật chưa quy định hoặc không quy định chế tài.

Trước đây, theo quy định tại Nghị định 73/2010/NĐ-CP, người thực hiện các hành vi như “không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội” sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 60.000 đồng 100.000 đồng.

Tuy nhiên, Nghị định này đã bị Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy thay thế. Theo đó, Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã bỏ quy định xử phạt đối với hành vi ăn mặc phản cảm nêu trên. Bởi vậy, với hành vi ăn mặc hở hang, phản cảm nơi thờ tự, chùa chiền đang không có chế tài xử lý. Chỉ có những hành vi gây mất an ninh trật tự, trộm cắp thì mới bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn đối với những hành vi mặc váy ngắn, hở ngực hoặc thậm chí không mặc quần áo nơi công cộng, nơi thờ tự, chùa chiền, tâm linh thì sẽ bị nhắc nhở, yêu cầu ra khỏi khu vực đó. Nếu sau đó không chấp hành mà còn chửi bới gây mất an ninh trật tự sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. 

Theo luật sư Cường, sở dĩ, pháp luật bãi bỏ quy định xử phạt bởi vì vấn đề này liên quan tới chuẩn mực đạo đức và các nhà làm luật cũng tin rằng, theo thời gian ý thức của người dân cũng sẽ được nâng cao. Và người dân khi đi lễ chùa ắt hẳn họ sẽ tự biết phải ăn mặc ra sao cho “dễ coi”, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Những người bình thường sẽ nhận thức được nét văn hóa này và biết tôn trọng bản thân mình cũng như tôn trọng người khác. Những hành vi ăn mặc hở hang, phản cảm vẫn xảy ra nơi chùa chiền, tâm linh nhưng không nhiều và những hành vi này sẽ bị nhắc nhở.

Thời điểm hiện nay đang dịch bệnh Covid-19 bởi vậy nhiều địa phương đã yêu cầu đóng cửa các khu vực tập trung đông người, dừng hoạt động lễ hội, khu vui chơi giải trí, hạn chế tiếp xúc nơi thờ tự. Bởi vậy, những hành vi tập trung đông người, ăn mặc phản cảm sẽ bị nhắc nhở, thậm chí có thể bị xử lý bằng các chế tài khác nhau của pháp luật tùy vào mức độ vi phạm của hành vi.

Phong Linh