Dân sinh

Người nông dân gom rơm khô "hồi sinh" vùng đất khó

Sau vụ mùa, rơm rạ là thứ bỏ thừa thãi hoang hóa ngoài đồng. Nhưng với ông Nhiệm, đây là nguyên liệu giúp ông tạo ra “đặc sản” thu trăm triệu mỗi năm.

“Đặc sản” từ rơm khô

Xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa, tỉnh  Gia Lai là địa phương mà người dân gặp nhiều khó khăn phát triển kinh tế. Hầu hết người nông dân nơi đây quanh năm gắn bó với ruộng đồng, nhưng đất đai cằn cỗi thu nhập hàng năm chẳng đáng là bao.

Cuộc sống vốn dĩ còn gặp nhiều khó khăn cũng bởi người dân chỉ quanh quẩn trông chờ vào vài sào rẫy trồng mỳ, trồng lúa. Hết vụ mùa ruộng rẫy để hoang hóa, người dân ngồi chờ thời gian trôi để vào vụ mùa kế tiếp.

Đặc biệt, sau mỗi vụ mùa thu hoạch lúa rơm, rạ thừa thãi trải dài bạt ngàn trên những cánh đồng.

Thế nhưng, với suy nghĩ táo bạo, ông Nguyễn Nhiệm, 56 tuổi, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa dám nghĩ dám làm đã “biến” những đống rơm khô lăn lóc ngoài đồng thành nguyên liệu sản sinh ra thứ “đặc sản” tốt cho sức khỏe, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đó chính là nấm rơm, một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, vốn đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, hoàn toàn không hóa chất, giá trị sản phẩm cao được người tiêu dùng rất yên tâm và ưa chuộng.

Rơm khô nguyên liệu để tạo ra nấm mang lại lại hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Nhiệm, là người tiên phong đã thành công trong mô hình trồng nấm rơm đầu trên địa bàn. Với hơn 13 năm kinh nghiệm, ông Nhiệm được bà con tin tưởng lựa chọn làm Chi hội trưởng tổ nghề trồng nấm rơm của thôn Đoàn Kết.

Trò chuyện với chúng tôi ông Nhiệm chia sẻ, trước đây, gia đình ông quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Nguồn thu nhập chủ yếu của đại gia đình chỉ dựa vào mấy sào mỳ và lúa nhưng chẳng dư được bao nhiêu.

“Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, rơm, rạ chồng chất bỏ hoang ngoài đồng. Lúc này, trong đầu tôi bất chợt lóe lên suy nghĩ ở nhiều vùng, nhiều địa phương khác người dân họ tận dụng rơm làm nguyên liệu sản sinh ra nấm làm thực phẩm, tại sao họ làm được mà người dân nơi mình lại không thể làm.

Mang suy nghĩ ấp ủ trong bấy lâu tôi trăn trở tâm sự với một người bạn, thì người này rất ủng hộ và giới thiệu cho tôi một người quen trong miền Tây đã phất lên từ mô hình nấm rơm.

Sau lời người bạn động viên, tôi như được tiếp thêm động lực liền khăn gói vào miền Tây để học hỏi kinh nghiệm. Sau chuyến đi miền Tây học hỏi được kinh nghiệm, tôi phấn khởi tràn đầy lòng tin là mình sẽ thành công”.

Nấm được ủ đúng kỹ thuật cho năng suất cao.

Theo ông Nhiệm, sau khi về đến quê nhà ông bắt tay cải tạo 500m2 sân vườn của gia đình làm trại, đồng thời huy động người nhà ra đồng thu gom một lượng lớn rơm khô mang về, áp dụng những kinh nghiệm đã học hỏi được.

Vì là lần đầu tiền để giảm rủi ro, thiệt hại ông chỉ trồng khoảng 30 luống, mỗi luống có chiều dài khoảng 8-10m.

Thoát nghèo nhờ mô hình mới

Ông Nhiệm kể lại vẻ mặt phấn khởi: “Chăm sóc nấm được 15 ngày, tôi bất ngờ khi luống rơm mọc nấm chi chít, phát triển trên cả sự mong đợi.  Sau khi thu hoạch vụ đầu tiên tôi cảm thấy kỹ thuật đơn giản, ít tốn kém vống liếng nhưng thu nhập lại cao, rất vui mừng. Sau thương vụ đầu tiên tôi tiếp tục mở rộng lên 5.000m2 đất ruộng trước đây canh tác lúa để trồng nấm và một lần nữa thành công mỹ mãn”.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm rơm ông Nhiệm cho biết, không phải rơm nào cũng có thể trồng nấm. Muốn nấm đạt năng suất, chất lượng, nguồn rơm phải đảm bảo các yêu cầu như: sợi rơm phải khô, sạch và xử lý tạp chất trong rơm đúng quy trình, ủ cho đủ độ mềm, độ ẩm... mới tiến hành cấy giống.

Bên cạnh đó, trồng nấm rơm ngoài trời nên việc lựa chọn các vị trí sao cho thoáng mát, nhà nấm cũng phải phủ kín bạt để tránh nắng mưa, giữ đủ độ ẩm thích hợp cho nấm phát triển, không bị nhiễm bệnh. 

Mỗi vụ nấm, hàng ngày, vợ chồng ông phải thức dậy từ 2h sáng và bắt tay vào thu hái để 5h mới kịp mang ra chợ huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa giao cho các tiểu thương.

Mỗi ngày trung bình ông Nhiệm thu hơn 40 kg nấm, giá bán từ 70.000 – 90.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi hơn 300 triệu đồng.

Nấm rơm không hóa chất, thơm ngon bổ dưỡng được nhiều người dân ưa chuộng.

Cũng thành công trong mô hình trồng nấm rơm, gia đình ông Nguyễn Tấn Minh, 47 tuổi, trú thôn Đoàn Kết, nay cuộc sống đã khấm khá hơn.

Theo ông Minh, khi được ông Nhiệm giới thiệu sản xuất nấm, ông đã bắt tay trồng hơn 3.000m2 trên đất vườn sau nhà của mình. Cứ như vậy, đến nay, vườn nấm của ông thu từ 50-80kg/ngày. Bình quân gia đình ông Minh lời hơn 200 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.

“Trồng nấm nhìn thì rất dễ nhưng để đạt năng suất, chất lượng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, từ khâu chọn nguồn rơm đến thu hái. Bên cạnh đó, đòi hỏi người trồng nấm phải nắm vững đặc điểm sinh trưởng, phát triển của nấm để có thể điều chỉnh các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm… cho thích hợp. Nhưng bù lại, nấm rơm mang lại thu nhập cao gấp 3-4 trồng lúa, mỳ”, ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, người trồng cần chú ý khi rải lớp rơm và meo xen kẽ với độ dày 3 tấc giúp cho meo dễ hấp thụ độ ẩm, phát triển nhanh. Việc tưới nước phải thực hiện thường xuyên vào 2 buổi sáng, chiều để đảm bảo độ ẩm.

Ông Siu Bol, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ma Rơn cho biết, mô hình trồng nấm rơm của thôn Đoàn Kết là mô hình mang lại hiệu kinh tế cao, tạo được việc làm cho lao động và phù hợp với điều kiện sản xuất của nhiều gia đình ở xã.

“Ở xã Ia Ma Rơn đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng nấm gồm 10 thành viên. Hiện tại, có 6 hộ dân được vay 30 triệu đồng/hộ từ qũy hỗ trợ nông dân huyện để sản xuất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều chương trình tập huấn để đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, hướng tới nâng cao chất lượng nấm rơm sạch của thôn Đoàn Kết”.