Thế giới

Người Mỹ chi tiêu tăng vọt trong bối cảnh lạm phát cao

“Sau khi trải qua một trong những cú sốc kinh tế nghiêm trọng nhất trong thế kỷ vào năm 2020, nền kinh tế Mỹ sẽ thể hiện sự phục hồi nhanh vào năm 2021”.

Một loạt dữ liệu kinh tế được công bố tháng 11 cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi vững chắc, với chi tiêu và thu nhập của người lao động tăng lên trong khi số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức kỷ lục.

Tuy nhiên, sự tăng vọt về giá của mọi thứ, từ chi phí thực phẩm, nhiên liệu đến tiền thuê nhà, có thể là một trong những câu chuyện trong bữa tối sum họp Ngày Lễ Tạ ơn hôm nay của các hộ gia đình Mỹ.

Chi tiêu tăng vọt

Theo báo cáo của Bộ Thương mại (USDOC), chi tiêu người tiêu dùng Mỹ đã tăng vọt 1,3% vào tháng 10 vừa qua, trong bối cảnh lạm phát hiện tăng nhanh nhất trong vòng 3 thập kỷ. Mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng vào tháng 10 cao gần gấp đôi so với mức tăng 0,6% tháng 9. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tháng 10/2021 đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất trong 12 tháng kể từ tháng 11/1990.

Thu nhập cá nhân, một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tiêu dùng, tăng 0,5% vào tháng 10 sau khi giảm 1% vào tháng 9. Tiền lương cũng tăng lên trong bối cảnh các công ty cạnh tranh thu hút lao động. Một thông báo đáng chú ý khác tại thị trường việc làm, theo báo cáo Bộ Lao động (DOL) ngày 24/11, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này trong tuần trước (tính đến ngày 20/11) đã giảm xuống còn 199.000 đơn. Đây là con số thấp nhất kể từ tháng 11/1969, tốt hơn nhiều so với con số dự báo trước đó của các nhà kinh tế học ở mức 260.000 đơn.

Ông Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng công ty dịch vụ tài chính PNC Financial, nhận định: “Mặc dù niềm tin của người tiêu dùng đã giảm trong những tháng mùa thu do lạm phát cao, nhưng họ vẫn tiếp tục chi tiêu”. Được biết, chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ (CCI) trong tháng 10 đã tăng lên mức 113,8 điểm, so với mức 109,8 điểm tháng 9. Đây là lần đầu tiên chỉ số này tăng trở lại sau 3 tháng suy giảm liên tiếp. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (CCI) thể hiện mức độ lạc quan về tình trạng nền kinh tế thông qua tiết kiệm và chi tiêu, có thể tác động đến tâm lý mua bán trên thị trường chứng khoán.

Giếng khoan dầu do Tập đoàn Chevron vận hành tại bang California, Mỹ, vào thứ Ba, ngày 27/4/2021. Ảnh: Bloomberg.

Các nhà phân tích cho biết sự gia tăng chi tiêu của tháng 10, tháng đầu tiên trong quý mới, là tín hiệu khởi sắc trong bức tranh tăng trưởng kinh tế tổng thể. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chỉ tăng 2,1% trong quý III vừa qua, do vấp phải một loạt các thách thức như nguy cơ biến chủng Delta bùng phát, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thị trường việc làm phục hồi chậm chạp và áp lực lạm phát đè nặng.

Theo Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại công ty định lượng và dự báo Oxford Economics, “Sau khi trải qua một trong những cú sốc kinh tế nghiêm trọng nhất trong thế kỷ vào năm 2020, nền kinh tế Mỹ sẽ thể hiện sự phục hồi nhanh vào năm 2021”. Ông dự đoán GDP Mỹ trong quý IV sẽ tăng trưởng với tốc độ 5,6%.

Sư can thiệp của chính quyền

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/11 quyết định sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược để giúp “hạ nhiệt” thị trường năng lượng. Theo hãng tin CNBC, tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh dự kiến sẽ có động thái tương tự. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng chính sách đó chỉ tác động đến sự gia tăng giá xăng dầu - một phần trong bức tranh kinh tế tổng thể.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) gần đây cũng thực hiện những bước đi nhằm vừa kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo phục hồi tăng trưởng kinh tế. Theo đó, trong cuộc họp đầu tháng 11, các quan chức FED thông báo giảm dần quy mô chương trình mua vào trái phiếu kho bạc hàng tháng trị giá 120 tỷ USD- một chính sách cốt lõi từng được đưa ra đầu năm 2021 để bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi nguy cơ rơi vào suy thoái trước những tác động sâu sắc do đại dịch Covid-19.

Biên bản từ cuộc họp đó cho thấy các quan chức Fed bày tỏ quan ngại về áp lực giá cả có thể kéo dài dai dẳng. Các quan chức cho rằng FED nên thúc đẩy chính sách giảm lượng mua trái phiếu nhanh hơn, hoặc thậm chí bắt đầu tăng lãi suất sớm để lạm phát không vượt khỏi tầm kiểm soát. Được biết, FED đã duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0-0.25% kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.

Trụ sở Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington, D.C. Ảnh: Federal Reserve.

Bức tranh nền kinh tế Mỹ, nhất là trong những tháng cuối năm, đang được các nhà đầu tư và giới phân tích theo dõi sát sao.

Hà Thanh (theo AP, CNBC)