Góc nhìn luật gia

Người mẹ dựng ‘màn kịch' cho con đổi lấy 15 triệu đồng bị xử lý ra sao?

Dưới góc nhìn pháp lý, trường hợp người mẹ tung tin đồn, khai báo không trung thực về việc con gái mình mất tích thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về việc khai báo gian dối với cơ quan chức năng.

Ngay khi nhận được đơn trình báo của người mẹ tên Nguyễn Thị Bích T. (22 tuổi, quê ở Hậu Giang, tạm trú đường Bình Nhâm, thị xã Thuận An, Bình Dương) về việc con gái chị 20 ngày tuổi “bỗng dưng” mất tích, lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc và vén màn sự thật, đây là một “màn kịch” do chính người mẹ trẻ này bày ra sau khi mang con cho người khác để đổi lấy 15 triệu đồng.

Chính mẹ cháu bé đã mang con đi cho rồi dựng lên màn kịch con bị mất tích khiến dư luận hoang mang

Cụ thể, qua điều tra, giữa năm 2018, chị T. mang thai và rời quê từ tỉnh Hậu Giang đến tỉnh Bình Dương, tạm trú tại phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An.

Đầu tháng 2/2019, chị T. sinh con nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể nuôi dưỡng nên có ý định cho con mình làm con nuôi.

Người mẹ này lên facebook thỏa thuận với một cặp vợ chồng ở TP.HCM để cho con. Đến ngày 1/3, cặp vợ chồng trên đến nơi ở trọ của chị T. để nhận con và gửi lại 15 triệu đồng.

Sợ bị gia đình phát hiện, người mẹ dựng chuyện con mình bị bắt cóc khiến mọi người tá hỏa đi trình báo Công an.

Hiện phía công an Bình Dương đã xác định được nơi ở của cháu bé trên TP. HCM. Cơ quan cũng đang căn cứ các quy định của pháp luật để xử lý hành vi báo tin thất thiệt.

Nêu quan điểm về sự việc này, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Pháp luật Việt Nam luôn bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, uy tín... của công dân. Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm uy tín, tài sản... của công dân đều có những chế tài xử lý theo quy định pháp luật.

Đối với hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được xác định là tội phạm và được quy định trong Bộ luật Hình sự. Bởi vậy người nào có hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em thì sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng.

Ths. Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp

Khi xã hội càng phát triển, hệ thống pháp luật càng hoàn thiện dần thì các quy định, chế tài và các cơ chế để bảo vệ quyền trẻ em ngày càng được nâng cao. Trong các hành vi phạm tội thì phạm tội đối với trẻ em luôn bị xã hội lên án, đấu tranh quyết liệt.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi tung tin bịa đặt, vu khống nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc nhằm gây hoang mang rối loạn trong xã hội.

Nếu hành vi đưa, truyền, thông tin dữ liệu trái phép trên mạng internet thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 174/2013, mức phạt có thể lên tới 30.000.000 đồng với cá nhân.

Trường hợp việc tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành. Bởi vậy, khi đưa thông tin lên mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng internet hoặc tung tin ra dư luận xã hội thì mọi người dân cần cân nhắc, thận trọng trước tính trung thực của các nguồn tin để tránh ảnh hưởng tới tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng tới xã hội.

Trong vụ việc người mẹ trẻ thông tin về việc bị mất con khiến cơ các cơ quan chức năng phải vào cuộc, xác minh, điều tra làm rõ, đồng thời dư luận cũng rất hoang mang. Sau đó cơ quan chức năng đã phát hiện việc tung tin đó là không có thật, người mẹ này đã cho con mình làm con nuôi rồi tung tin để che giấu chuyện riêng tư khác của mình.

Theo quan điểm của luật sư Cường, đối với những vấn đề đưa tin sai sự thật thì mục đích thông tin là một trong những nội dung quan trọng để quyết định người đưa tin sai sự thật có bị xử lý hay không, mức độ xử lý như thế nào.

Dưới góc độ xã hội thì việc đưa tin sai sự thật là điều mà xã hội lên án, có thể còn được xác định là hành vi nói dối, bịa đặt, vu khống... Những hành vi xấu không được dư luận xã hội đồng tình, thể hiện con người không đáng tin cậy.

Còn dưới góc độ pháp luật thì hành vi đưa tin sai sự thật mà nhằm vào cá nhân, công dân, nhằm xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc tố cáo họ tới cơ quan chức năng mà biết rõ là việc tố cáo sai sự thật thì hành vi này có thể bị khởi tố hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống theo quy định pháp luật.

Luật sư Cường nói: Còn trong trường hợp, người mẹ trẻ này tung tin đồn chỉ nhằm mục đích che giấu thân phận của đứa bé, sợ lộ thông tin là mình có con riêng, sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình thì hành vi này chỉ đáng trách chứ không đáng tội.

Hành vi này không nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác. Hành vi này cũng không thực hiện trên mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet không phải là hành vi đưa chuyển dữ liệu trái phép gây hoang mang trong dư luận xã hội, không nhằm mục đích là gây rối loạn trong xã hội mà chỉ thực hiện với mục đích che giấu những sai phạm, khiếm khuyết của bản thân, với mục đích để giữ gìn hạnh phúc gia đình thì hành vi này chỉ có thể bị phê bình, cảnh cáo và xử phạt vi phạm hành chính về việc khai báo gian dối với cơ quan chức năng.

Từ các phân tích trên, luật sư Cường cho rằng, hành vi của người mẹ trong trường hợp này chưa đủ các yếu tố thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm về mặt chủ quan: lỗi, động cơ, mục đích để có thể xử lý hình sự.

“Tuy nhiên đây cũng là một bài học cho các bà mẹ trẻ nói riêng, các công dân, cá nhân nói chung trong việc tung tin về việc tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình hoặc của người khác bị xâm hại”, luật sư Cường nói.