Góc nhìn luật gia

Người mẹ đánh đập dã man con gái 6 tuổi ở Hải Dương bị xử lý thế nào?

Người mẹ hành hung, đánh đập con gái 6 tuổi ở Hải Dương đang khiến dư luận bức xúc. Người này có thể bị xử lý hình sự nếu chứng minh được không mắc bệnh tâm thần.

Như Người Đưa Tin Pháp luật đã đưa, vừa qua cháu V.N.P.C. (SN 2015) đã bị mẹ đẻ là Vũ Thị Th. (SN 1996, trú tại thôn 2, xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) hành hung, đánh đập dã man, thâm tím hết vùng mặt tại một khu nhà trọ ở xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng.

Cháu bé sau đó được chủ nhà trọ phát hiện bị mẹ nhốt tại phòng trọ và đã đưa bé đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Sức khỏe bé C. đang dần ổn định nhưng tinh thần vẫn hoảng loạn. Nguyên nhân sự việc được cho là bé C. thường xuyên đi vệ sinh không bảo mẹ nên đã bị người mẹ đánh đập, mắng chửi. Theo chính quyền địa phương, Vũ Thị Th. có trạng thái tâm thần không ổn định.

Dấu hiệu bạo hành trẻ em

Trao đổi với PV về sự việc kể trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật (đoàn luật sư TP.HCM) cho hay: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Hành vi bạo lực, ngược đãi trẻ em trong những năm qua có nhiều vụ việc hết sức thương tâm và gây phẫn nộ trong xã hội. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp hành vi này lại diễn ra trong mái ấm của các cháu, từ chính những người có nghĩa vụ chăm nom, chăm sóc các cháu như cha mẹ, ông bà”...

Bé C. bị người mẹ hành hung, đánh đập dã man, thâm tím hết vùng mặt.

Qua quá trình điều tra, nếu các vết bầm, thương tích trên cơ thể cháu là do mẹ cháu gây ra thì căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà người mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi bạo hành trẻ em không gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điều 185 quy định rõ tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Điều 140 cũng quy định rõ về tội Hành hạ người khác: Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên; đối với 2 người trở lên.

Trường hợp nào được miễn truy cứu?

Luật sư Diệp Năng Bình phân tích thêm trường hợp người mẹ nếu chứng minh được việc bị mắc bệnh tâm thần thì theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình: Người mẹ có thể được miễn truy cứu nếu chứng minh được đang mắc và điều trị bệnh lý tâm thần.

Do đó, mẹ của cháu thực hiện hành vi vi phạm trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Viện kiểm sát hoặc tòa án căn cứ vào kết luận của hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

"Tuy nhiên, nếu khi thực hiện hành vi phạm tội mà có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự (tình trạng sức khỏe bình thường, tình trạng bệnh tâm thần đã ổn định có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi) nhưng khi thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự bệnh tái phát thì sẽ được áp dụng các biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh người mẹ vẫn phải chấp hành hình phạt theo quy định", luật sư Bình nói.