Dân sinh

Người mẹ “đặc biệt” của những phận đời mồ côi

Những phận đời mồ côi thiếu thốn tình cảm được thắp lên hy vọng nhờ vòng tay ấm áp, bao dung của những người mẹ “đặc biệt”.

Thắt lòng những phận đời mồ côi

Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai là vùng đất cằn cỗi, khá khó khăn, vị trí địa lý nằm cách xa trung tâm Tp.Pleiku khoảng 150 km. Nơi đây, đa phần nơi cư dân người bản địa sinh sống, làm ăn. Bởi cuộc sống khó khăn, tập quán và vì nhiều nguyên nhân khác nơi đây được xem như cái nôi trẻ em mồ côi.  

Theo Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa, toàn huyện có 341 trường hợp trẻ mồ côi rất cần được xã hội chung tay giúp đỡ. Chính vì vậy, hội liên hiệp phụ nữ huyện đã ra mắt mô hình “mẹ đỡ đầu” nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau và tạo điểm tựa để các trẻ mồ côi vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

Sau thời gian triển khai mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa là một trong những đơn vị đang làm rất tốt hoạt động chung tay, góp sức để nuôi dưỡng, đỡ đầu cho nhiều trường hợp trẻ em mồ côi mang lại hiệu quả thiết thực.

Đến nay, hội liên kết với các cấp chính quyền trên địa bàn huyện tổ chức ký cam kết nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho 21 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Với mục tiêu lan tỏa hơi ấm, vòng tay yêu thương bao bọc những phận đời mồ côi hội tổ chức 31 buổi thăm hỏi hàng tháng, quý, nhân dịp lễ Tết nhằm động viên, hỗ trợ các em.

Bên cạnh đó, hội còn tặng quà cho các cháu được nhận đỡ đầu với hơn 40 suất quà trị giá gần 12 triệu đồng, hỗ trợ 5 cặp sinh kế heo giống và giới thiệu việc làm cho gia đình bảo hộ nuôi dưỡng trẻ em mồ côi với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng.

Bà Rơ ô Lễ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa cùng thành viên trong hội đi tham và tặng quà cho các em nhỏ mồ côi.

Trong căn nhà sàn trống trơn, rung lên bần bật mỗi khi gió lùa về, ngồi co ro bên bếp lửa là một cụ già ngoài tám mươi, tóc bạc phơ.

Theo cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, đó là bà ngoại của em Siu Kasi, SN 2014, trú xã Chư Gu. Em Kasi là một trong những trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mẹ mất vì bạo bệnh, bố bỏ đi lập gia đình mới ở nơi khác. Kasi sống với bà ngoại đã già yếu.

Thương hoàn cảnh của hai bà cháu, các chị em trong hội đã cùng nhau quyên góp tiền để hỗ trợ hàng tháng cho Kasi. Qua nhiều tháng, nhờ số tiền được trao, cộng với sự quan tâm, sẻ chia của mọi người, Kasi được đến trường, cuộc sống của em dần ổn định.

Chị Ngô Thị Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Gu cho hay, với mô hình “mẹ đỡ đầu” đơn vị đã rà soát nhiều hoàn cảnh mồ côi, gia đình khó khăn trên địa bàn. Qua đó, trước mắt đơn vị lựa chọn em Kasi để chăm sóc, hỗ trợ tiền ăn, học trong thời gian qua. Đồng thời, hội cũng tích cực tổ chức nhiều chương trình như “Nuôi heo đất giúp trẻ đến trường” để giúp các em có gia cảnh đáng thương.

Người mẹ “đặc biệt”

Tương tự là hoàn cảnh của em Rơ ô H’Tâm, SN 2011, trú tại thị trấn Phú Túc có mẹ mất từ 3 năm trước, người bố cũng bỏ em theo người mới. Từ đó, em sống với bà ngoại bị bệnh u não và chị gái trong căn nhà sàn tuềnh toàng. Vốn đã nghèo, khi mẹ mất em và chị phải đi làm kiếm tiền để chữa bệnh cho bà ngoại bệnh.

Khi biết đến hoàn cảnh của Tâm, Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Phú Túc đã quyết định nhận đỡ đầu cho cô bé mồ côi này cho đến 18 tuổi. Người mẹ đỡ đầu của Tâm là chị Quách Thị Mỹ Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Phú Túc. Chị đã kêu gọi nguồn hỗ trợ cho em từ các thành viên trong hội, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho em Tâm.

Trong nhiều tháng qua, chị Phượng luôn tích cực tạo kết nối giữa các tổ chức, mạnh thường quân trong tỉnh.Bên cạnh đó, chị và hội đã có nhiều lần thăm hỏi, tặng bánh kẹo, đồ dùng sinh hoạt, học tập cho em Tâm.

Gương mặt ngây dại, ăn chưa no lo chưa tới nhưng Tâm cảm nhận được sự yêu thương, đùm bọc của người mẹ “đặc biệt” dành cho mình. “Cháu không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn các cô, dì đã thường xuyên giúp đỡ, động viên để cháu có thể tiếp tục yên tâm đi học. Cháu sẽ cố gắng học để xứng đáng với sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người”, Tâm bày tỏ.

Chị Quách Thị Mỹ Phượng đã có nhiều lần thăm hỏi, tặng bánh kẹo, đồ dùng sinh hoạt, học tập cho em Tâm.

Bà Rơ ô Lễ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa cho biết, thời gian nhận đỡ đầu rất dài, sau năm 18 tuổi. Hội còn có kế hoạch hướng nghiệp để các em có thể tìm được nghề nghiệp phù hợp. Đó là một hành trình đòi hỏi nhiều nỗ lực, cố gắng của cán bộ, hội viên. 

“Bằng tình thương yêu và tấm lòng của người mẹ, các chị em hội viên hội phụ nữ các cấp tại huyện Krông Pa đã đồng hành, giúp đỡ được nhiều trẻ mồ côi. Với mục đích tạo điểm tựa bền vững cho các cháu, chị em phụ nữ huyện đã triển khai nhiều cách thức giúp đỡ phù hợp, tạo sự yên tâm, tin tưởng và gắn bó giữa các cháu và những người mẹ đỡ đầu”, bà Rơ ô Lễ chia sẻ.

Mong rằng mô hình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai phát triển lớn mạnh, ngày càng có thêm nhiều cá nhân tổ chức chung tay góp công góp sức để thêm nhiều mảnh đời mồ côi được cơm no, áo ấm được vững bước đến trường.