Thế giới

Người mắc Covid-19 hơn 7 tháng khỏi bệnh nhờ 2 liều vắc-xin

Bệnh nhân 37 tuổi dương tính với SARS-CoV-2 suốt 7 tháng rưỡi (218 ngày) đã được cứu chữa bằng cách tiêm 2 liều vắc- xin ngừa Covid-19 của Pfizer.

Theo bài công bố trên Journal of Clinical Immunology, bệnh nhân là anh Ian Lester, 37 tuổi, bác sĩ nhãn khoa đến từ Pontypridd, xứ Wales, Vương quốc Anh. Anh mắc chứng suy giảm miễn dịch hiếm gặp là hội chứng Wiskott-Aldrich, khiến cơ thể không thể tự loại bỏ bệnh Covid-19 như mọi người.

Lester đã dương tính kéo dài với Covid-19 trong suốt 7 tháng rưỡi (218 ngày), gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu như tức ngực, mất ngủ, đau đầu, kém tập trung, mệt mỏi... và phải tự cách ly trong thời gian dài. Càng ngày các triệu chứng của anh Lester càng trở nên tồi tệ hơn.

"Hầu hết mọi người có thể âm tính với SARS-CoV-2 sau 10 ngày nhiễm, nhưng tôi là ngoại lệ. Nhiều tháng trôi qua không thể có kết quả âm tính, tôi cảm giác như cả đời không thể đi đâu gặp bạn bè hoặc người thân", anh Lester nói.

Với bệnh nhân đặc biệt như Lester, nhóm nghiên cứu của giáo sư Stephen Jolles - Trưởng Nhóm lâm sàng tại Trung tâm Suy giảm miễn dịch xứ Wales, đồng thời là giáo sư danh dự ở Đại học Cardiff - đã thử một phương pháp độc đáo đó là tiêm cho Lester 2 liều vắc-xin mRNA Covid-19 của Pfizer, cách nhau khoảng 4 tuần.

Kết quả, bệnh nhân không những dung nạp tốt vắc-xin, tạo ra kháng thể thành công mà còn xuất hiện phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ ở tế bào T, giúp đẩy lùi virus nhanh chóng và bền vững.

Trong vòng 14 ngày sau tiêm liều vắc-xin thứ nhất, lượng virus trong cơ thể Lester giảm rõ rệt. Khoảng 6 tuần sau liều thứ hai, anh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần đầu tiên sau 218 ngày nhiễm virus này.

Đây là lần đầu tiên vắc-xin ngừa Covid-19 được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân đang mắc bệnh. Phương pháp trên mở ra cánh cửa mới để đẩy lùi hiện tượng dương tính kéo dài ở các bệnh nhân gặp phải tình trạng suy giảm miễn dịch đặc biệt, đồng thời cho thấy vắc-xin vẫn có thể hiệu quả với những người này, như bệnh nhân HIV, hoặc người mắc các rối loạn di truyền hiếm gặp.

Minh Hoa (t/h)