Đối thoại

Người lao động không thể gắn bó mãi với công ty khi lương thấp

Chính sách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động là vấn đề cần được quan tâm nếu muốn nâng cao trình độ lao động đất nước.

Sáng 26/5, diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức. Tại diễn đàn các nội dung xoay quanh về thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia nhận được sự quan tâm và thảo luận.

Năng suất lao động của Việt Nam khá thấp

Trả lời câu hỏi năng suất lao động Việt Nam thực sự có thấp so với các nước trong khu vực hay không? Tại diễn đàn TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương thông tin, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) thì năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua PPP là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 79% so với Indonesia…

“Tuy nhiên, nếu nhìn con số này thì NSLĐ của chúng ta thấp, do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022”, ông Tú Anh đánh giá.

Mặc dù vậy số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP). GDP của Việt Nam năm 2022 theo ngang giá sức mua PPP bằng đồng USD 2017 là 1.321.694,15 triệu USD. Với việc tạo ra 60% GDP năng suất lao động của các lao động trong doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra là 53.582 USD/lao động.

Ông Nguyễn Tú Anh nhận định: “Như vậy sẽ bằng 30% so với lao động của Singapore là làm việc tại doanh nghiệp hoặc cơ quan Nhà nước. Với con số này thì NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bằng khoảng 30% NSLĐ của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore. Mặc dù vậy, NSLĐ của Việt Nam khá là thấp”.

TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương (Ảnh: VGP).

Đồng thời, chuyên gia đưa ra giải pháp một trong những việc cần làm để tăng NSLĐ trên góc nhìn vĩ mô thì cần phải đẩy nhanh phát triển nhiều hơn nữa hệ thống doanh nghiệp nhiều hơn mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, mục tiêu quan trọng để thúc đẩy NSLĐ.

Tuy nhiên, vấn để đặt ra là NSLĐ của khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn quá thấp. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 59% việc làm trong khu vực doanh nghiệp nhưng chỉ đóng góp giá trị gia tăng bằng 1/6 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, nên NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực DNNN và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI.

Để giải quyết vấn đề này, ông Tú Anh đưa ra các kiến nghị như tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp mà tăng quy mô của doanh nghiệp.

Cùng với đó trọng tâm của chính sách kinh tế trong giai đoạn 2021-2030 nên tập trung vào ngành chế biến chế tạo vì đây là khu vực động lực thúc đẩy NSLĐ cả nền kinh tế.

Hỗ trợ hình thành nên các doanh nghiệp lớn, những sếu đầu đàn dựa trên tiềm lực hiện có của các doanh nghiệp hiện nay, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực có NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính và cuối cùng là thực hiện chính sách tiền lương hiệu quả.

Mức lương tối thiểu là sàn an sinh xã hội 

Còn theo, TS. Phạm Thu Lan - Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để tăng NSLĐ điều thì rất cần một chính sách tiền lương phù hợp.

“Mọi người lao động (NLĐ) đi làm đều quan tâm tới tiền lương, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỉ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc”, bà Phạm Thu Lan phát biểu.

TS. Phạm Thu Lan cho rằng tiền lương có mối quan hệ chặt chẽ với năng suất lao động (Ảnh: VGP).

Cụ thể, bà Lan dẫn chứng người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỉ lệ nhảy việc cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động.

“Trong quan hệ kinh tế, nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường, nhưng nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có”, TS. Phạm Thu Lan bày tỏ.

Đại diện Viện Công nhân - Công đoàn người lao động cho rằng khi còn đang phải vướng bận kiếm bữa cơm hằng ngày cho gia đình thì học tập cho bản thân không phải là sự ưu tiên. Người lao động không thể dành thời gian, tâm trí và sức lực cho việc học tập, chưa nói tới người có tiền lương thấp sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho học tập cho bản thân và con cái.

Tuy nhiên, TS. Phạm Thu Lan nhận thấy tăng năng suất trong chặng đường sắp tới là một thách thức, bởi chuyển từ một nước thu nhập thấp lên một nước thu nhập trung bình dễ hơn rất nhiều so với từ một nước thu nhập trung bình lên thu nhập cao.

Mặc dù vậy chúng ta vẫn cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Đây là nội dung mà rất nhiều nước quan tâm. Mức lương tối thiểu là sàn an sinh xã hội và là quyền cơ bản của con người.