Góc nhìn luật gia

Người làm và bán vé bóng đá giả chịu mức phạt nào?

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà pháp luật quy định chế tài xử phạt khác nhau, từ xử phạt vi phạm hành chính cho đến xử lý hình sự.

Chiều 19/11, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, trong đêm 18/11 và 19/11, qua công tác trinh sát, cơ quan công an phát hiện có một số đối tượng bán vé giả trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022.

Qua quá trình điều tra và xác minh, trưa ngày 19/11/2019, Công an quận Nam Từ Liêm đã bắt giữ các đối tượng Nguyễn Khắc Ấn (sinh năm 1968; trú tại số 1 ngõ 97 Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Đống Đa) là đối tượng sản xuất vé giả cùng 03 đối tượng tiêu thụ là Bùi Văn Kiên (sinh năm 1970; trú tại Tuy Lai, Mỹ Đức), Lê Thị Liên (sinh năm 1982; trú tại Đại Thành, Quốc Oai) và Hoàng Thành Trực (sinh năm 1966; trú tại Vĩnh Phúc, Ba Đình).

Tang vật thu giữ được bao gồm 852 vé giả và toàn bộ máy tính, máy in cùng các bản phôi để sản xuất vé giả. Mỗi vé giả này các đối tượng này thu về từ 1,5 – 3 triệu đồng.

Thu giữ gần 1.000 vé xem bóng đá giả ngày 19/11.

Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS đã trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin về một số vấn đề pháp lý, các quy định của pháp luật về chế tài với hành vi làm giả vé bóng đá.

Thưa luật sư, những người có hành vi làm giả vé bóng đá sẽ bị xử lý như thế nào? Phải chịu mức phạt ra sao?

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà pháp luật quy định chế tài xử phạt khác nhau, từ xử phạt vi phạm hành chính cho đến xử lý hình sự.

Theo Điều 202, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp như tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị; Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Còn trong tường hợp phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; tem giả có số lượng từ 30.000 trở lên; Tổng giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên; hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Ngoài ra người phạm tội này còn có thể chịu các hình phạt bổ sung như: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định sự việc dưới góc độ pháp lý.

Ông đánh giá mức phạt này đã đủ tính răn đe?

Theo tôi, chế tài xử phạt cho hành vi làm giả vé bóng đá còn chưa đủ nghiêm khắc. Trong vụ việc bán giả vé bóng đá trong trận bóng giữa Việt Nam – Thái Lan vừa rồi, số lượng giá trị của lượng vé giả lên tới vài tỷ đồng.

Trong khi con số 852 vé giả bị thu giữ chỉ là con số mà cơ quan công an thu hồi được vào thời điểm đó. Các đối tượng trên với các công cụ chuyên nghiệp, có thể đã từng thực hiện trót lọt vài vụ việc trước đó. Do vậy, cần có chế tài nghiêm khắc hơn, có tính răn đe hơn cho các đối tượng khác đang manh nha ý đồ thực hiện hành vi tương tự.

Vậy thưa luật sư, còn đối với các hành vi bán vé giả với số lượng ít hơn chưa đủ mức định tội theo quy định tại Bộ luật Hình sự thì xử lý như thế nào?

Trong các Nghị định liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính thì không có Quy định riêng nào cho hành vi sản xuất, buôn bán vé bóng đá giả. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn có thể xử phạt các đối tượng này về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc là tem, nhãn giả theo Nghị Định 185/2013 do Chính phủ ban hành ngày 15/11/2013.

Cụ thể, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt tới 120 triệu đồng và chịu các biện pháp xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn và buộc khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại số lợi bất chính đã thu được từ hành vi vi phạm. (Theo Điều 11, 12 Nghị định 185)

Còn hành vi sản xuất, buôn bán tem, nhãn giả thì đối tượng thực hiện hành vi có thể phải đối diện với mức xử phạt tới 90 triệu đồng và chịu các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nêu trên.

Lời khuyên của Luật sư tới người dân, các fan hâm mộ bóng đá?

Người hâm mộ nên tỉnh táo khi mua vé bóng đá thể ủng hộ cho đội tuyển mình yêu thích. Không nên mua vé ở các kênh không chính thức, mua vé ở chợ đen để tránh hiện tượng phe vé hay mua phải vé giả. Khi mua vé, cần phải kiểm tra kỹ số seri, mẫu mã, tem chống giả của bộ Công an.

Xin cảm ơn luật sư!