Chính sách

Người lái xe máy cứ uống rượu bia là bị phạt, không cần ngưỡng

Đó là quy định tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Bộ GTVT vừa đưa ra lấy ý kiến lần 2 Dự thảo sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo đó, dự thảo đề xuất tăng nặng nhiều hành vi vi phạm có tính chất đặc biệt nguy hiểm đến an toàn giao thông và bổ sung thêm nhiều hành vi xử phạt.

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất tăng nặng mức xử phạt với các hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm đến an toàn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, các hành vi vi phạm trên đường cao tốc.

Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, dự thảo đề xuất tăng nặng mức xử phạt vi phạm ở mức 2 và mức 3 đối với người khiển ô tô và mức 3 đối với người điều khiển xe máy.

Ảnh minh họa.

Với tài xế xe máy, theo quy định hiện hành, chỉ bị phạt hành chính khi trong hơi thở có nồng độ cồn từ 0,25 mg/1 lít khí thở.

Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia chính thức được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 36 điều và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trong đó cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Dồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau “Điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Vì vậy, Bộ GTVT cũng bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Cụ thể, tài xế mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) bị phạt từ 2-3 triệu đồng nếu lái xe khi trong máu có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu (hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở).

Trường hợp trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4-5 triệu đồng (tăng 1-2 triệu đồng so với hiện hành).

Nếu trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng (tăng 2-4 triệu đồng).

Với tài xế ô tô, Bộ GTVT chia thành các mức phạt khác nhau, và tăng mức phạt tối đa lên gấp đôi so với quy định hiện hành.

Nếu tài xế ô tô trong máu có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng. Nếu mức vi phạm nồng độ cồn từ 50 - 80 mg/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, rút giấy phép lái xe 16-18 tháng.

Nếu tài xế ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tối đa từ 30-40 triệu đồng (tăng gấp đôi hiện hành), rút giấy phép lái xe 22-24 tháng. Mức phạt này cũng áp dụng với tài xế chống đối, không chấp hành đo nồng độ cồn, ma tuý, tài xế bị phát hiện sử dụng ma tuý.

An Bình