Thế giới

Nguyên nhân cuộc khủng hoảng lọc dầu trên toàn cầu

Từ giữa tháng 3 năm nay, giá nhiên liệu đã tăng vọt trong khi giá dầu thô chỉ tăng ở mức khiêm tốn hơn, nguyên nhân do công suất lọc dầu không đáp ứng đủ nhu cầu.

Người dân tại nhiều khu vực trên thế giới đang đối mặt với áp lực giá nhiên liệu gia tăng, chi phí sưởi ấm các tòa nhà, sản xuất điện và sản xuất công nghiệp cũng tăng cao.

Giá nhiên liệu đã tăng từ trước khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra vào ngày 24/2. Nhưng kể từ giữa tháng 3, chi phí nhiên liệu đã tăng vọt trong khi giá dầu thô chỉ tăng ở mức khiêm tốn hơn. Nguyên nhân một phần do công suất lọc dầu để chế biến dầu thô thành xăng và dầu diesel không đủ đáp ứng nhu cầu cao trên toàn cầu, theo hãng tin Reuters.

Công suất lọc dầu trên thế giới

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công suất về tổng thể có khả năng lọc tới khoảng 100 triệu thùng/ngày, tuy nhiên khoảng 20% ​​công suất đó hiện không sử dụng được. Phần lớn công suất không sử dụng được đó ở châu Mỹ Latinh và những khu vực khác thiếu vốn đầu tư. Do đó, công suất dự kiến mức khoảng 82-83 triệu thùng/ngày.

Công suất lọc dầu hàng ngày của thế giới đã mất tổng cộng 3,3 triệu thùng kể từ đầu năm 2020. Khoảng 1/3 công suất bị mất này là tại Mỹ, phần còn lại ở Nga, Trung Quốc và châu Âu. Nguyên nhân do nhu cầu nhiên liệu sụt giảm khi đại dịch Covid-19 bùng phạt mạnh khiến nhiều khu vực bị áp đặt lệnh phong tỏa và mọi người chuyển sang làm việc từ xa. Trước đó, công suất lọc dầu của thế giới đã ổn định, không giảm trong vòng ít nhất 3 thập kỷ.

Một nhà máy lọc dầu Marathon nằm ở bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Vào tháng 4 năm nay, công suất lọc dầu toàn cầu chỉ đạt 78 triệu thùng/ngày, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 82,1 triệu thùng/ngày trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Các nhà máy lọc dầu của Mỹ, Trung Quốc, Nga và châu Âu đều đang vận hành với công suất thấp hơn so với lúc trước đại dịch. Các nhà máy của Mỹ đã cắt giảm công suất lọc dầu gần 1 triệu thùng/ngày kể từ năm 2019. Theo Reuters, Nga đã ngừng gần 30% công suất lọc dầu vào tháng 5, trong bối cảnh nhiều quốc gia phương Tây giảm nhập khẩu nhiên liệu của nước này.

Trung Quốc có công suất lọc dầu dự phòng nhiều nhất, xuất khẩu sản phẩm tinh chế chỉ được phép dưới mức hạn ngạch chính thức. Công suất dự phòng của Trung Quốc chủ yếu được nắm giữ bởi các công ty lọc dầu lớn do nhà nước hậu thuẫn chứ không phải các công ty độc lập nhỏ hơn.

Công suất lọc dầu toàn cầu được dự báo ​​sẽ tăng thêm 1 triệu thùng/ngày vào năm 2022 và 1,6 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Ấn Độ đã nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga để sử dụng trong nước và phục vụ xuất khẩu, hiện lọc hơn 5 triệu thùng dầu/ngày. Công suất lọc dầu tăng cao hơn tại Trung Đông và châu Á sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nhiên liệu đang gia tăng.

Người hưởng lợi 

Theo hãng tin Reuters, các nhà máy lọc dầu đặc biệt nhà máy phục vụ xuất khẩu nhiều như của Mỹ đang hưởng lợi lớn từ thực trạng hiện nay. Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu đã thúc đẩy tỉ suất lợi nhuận lọc dầu lên mức cao nhất trong lịch sử, mang lại nguồn thu lớn cho các công ty lọc dầu lớn như Valero của Mỹ hay Reliance Industries của Ấn Độ (RELI.NS)

Các nhà máy lọc có khả năng chế biến dòng dầu thô thành hàng chục sản phẩm dầu mỏ khác nhau. Ngành công nghiệp này đo lường tỉ suất lợi nhuận lọc dầu bằng cách sử dụng chỉ số Crack Spread 3:2:1, thể hiện sự chênh lệch giữa giá một thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ nó. Crack Spread 3:2:1 phản ánh gần đúng tỉ lệ sản lượng các sản phẩm lọc dầu: cứ 3 thùng dầu thô WTI mà nhà máy lọc dầu xử lý sẽ tạo ra 2 thùng xăng và 1 thùng nhiên liệu chưng cất như dầu diesel và nhiên liệu phản lực.

Crack Spread 3:2:1 của dầu WTI đến ngày 5/6/2022. Ảnh: Bloomberg.

Từ năm 1985 đến năm 2021, Crack Spread 3:2:1 của WTI trung bình khoảng 10,50 USD/thùng. Ngay cả trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2008 được biết đến như thời kỳ hoàng kim của ngành lọc dầu thì chỉ số này cũng không bao giờ vượt quá 30 USD/thùng. Tuy nhiên, vào đầu tháng 6 vừa qua, Crack Spread 3:2:1 WTI đã tăng lên mức cao kỷ lục gần 55 USD/thùng

Phạm Hà Thanh (theo Reuter, Bloomberg)