Người giáo viên cả đời chỉ gắn với chữ “nghèo”?

Đọc bài cô giáo mầm non nhận 1,3 triệu đồng lương hưu mà lòng tôi xót xa thay. Ai cũng nghĩ giáo viên công việc ổn định, nhưng đâu biết rằng chúng tôi cũng cùng cực lắm.

Những nhà giáo trong lịch sử như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Đình Chiểu... vẫn được học trò kính trọng không chỉ bởi sự uyên thâm trong học thức mà còn bởi nhân cách sự thanh cao, giản dị trong lối sống không trọng danh lợi. Đến những giáo viên ngày nay như cô Trương Thị Lan mới đây cầm trên tay quyết định về hưu sau 30 năm cống hiến với số tiền 1,3 triệu đồng/tháng.

Xã hội coi sự nghèo của giáo viên là điều bình thường thậm chí dần dần nó trở thành một phẩm chất. Và người giáo viên khi đã chọn nghề đều phải chấp nhận điều này. Giáo viên sống được với nghề đã khó, làm giàu từ nghề là điều chẳng ai có thể nghĩ đến.

Giáo viên phải làm thêm các công việc kiêm nhiệm, coi thi, dạy thay... với số tiền rất ít ỏi. Hàng loạt những công việc không tên và cũng không có thù lao như soạn bài dạy, chấm điểm, quản lý học sinh, trao đổi với phụ huynh... vượt quá giới hạn 1 ngày 8 tiếng làm việc. Không những thế, chúng tôi cũng phải gánh vác thêm gánh nặng gia đình.

Hình ảnh cô giáo mầm non bật khóc khi nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/ tháng khiến nhiều người suy ngẫm (Ảnh: Zing.vn).

Tôi là một giáo viên trẻ với 5 năm công tác, những năm đầu tiên khi còn đi tập sự, mức lương của tôi chỉ ở mức 2,4 triệu đồng mà khi ấy dạy cách xa trường hơn 15 cây số, mọi chi phí sinh hoạt phải rất tiết kiệm.  Sau 5 năm đi dạy, mỗi lần tăng lương cũng chỉ nâng lên vài trăm nghìn.

Dù mức lương thấp, tôi vẫn chấp nhận và nhận dạy kèm thêm nhóm học sinh khoảng 10 em với số tiền 15.000 đồng một buổi. Phải vay tiền để học từ thời sinh viên, ra trường tôi vẫn phải vay tiền cho những mục tiêu lớn. Người giáo viên nếu muốn đầu tư cho hoạt động dạy học hiện đại thì thực sự thiếu thốn, nó kìm giữ sự sáng tạo của người dạy nói đúng như Xuân Diệu rằng “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Giáo dục là ngành không được hưởng lợi từ chính sản phẩm mình tạo ra. Vì thế, tất cả giáo viên đều mong muốn có thể được tăng thu nhập từ việc tăng lương hoặc có thể kiếm thêm thu nhập từ chính chuyên môn của mình.

Nhưng, mọi người cũng hiểu đó là điều không thể vì ngành giáo dục đang chiếm tới 52% biên chế sự nghiệp của cả nước, chiếm 70% ngân sách cho quỹ lương khối sự nghiệp. Ngành giáo dục đang phải dùng tới 80% ngân sách nhà nước phân để trả lương. Nhà nước lại đang có chính sách giảm 10% biên chế và các ngân sách chi cho giáo dục.

Nếu như, trước kia nhiều người nghĩ rằng vào ngành sư phạm sẽ có công việc ổn định, khi về hưu không phải lo lắng về tài chính có lẽ sẽ phải suy nghĩ lại.

Sống trong thời đại kinh tế thị trường, giáo dục đang dần tự chủ, tiền bạc đồng nghĩa với giá trị. Người giáo viên nhận số lương ít ỏi phải chăng không được xã hội coi trọng giá trị của họ, hay người giáo viên phải không ngừng trau dồi để làm tăng thêm giá trị của mình?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Trịnh Quỳnh