Góc nhìn luật gia

Người gây thiệt hại chết, đòi bồi thường thế nào?

Nguyên tắc gây thiệt hại thì phải bồi thường là điều hiển nhiên mà ai cũng biết. Tuy nhiên, trong trường hợp người gây thiệt hại chưa bồi thường thì đã chết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về ai hay chết là hết và sẽ không cần bồi thường thiệt hại?

Người gây thiệt hại chết, đòi bồi thường thế nào? (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân, pháp nhân được bồi thường thiệt hại khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Theo đó, căn cứ để làm phát sinh bồi thường thiệt hại gồm:

Người có hành vi xâm phạm tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại dù là lỗi với lỗi cố ý hay vô ý đều phải bồi thường.

Tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Nếu bên gây thiệt hại chứng minh được thiệt hại gây ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì bên gây thiệt hại không phải bồi thường.

Người từ 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự trở lên, gây thiệt hại thì phải tự bồi thường bằng tài sản của mình. Trong trường hợp người gây thiệt hại chết thì nghĩa vụ bồi thường thiệt hại sẽ do những người thừa kế di sản của người đó chịu trách nhiệm thực hiện.

Theo đó, những người được nhận thừa kế của người gây thiệt hại sẽ có nghĩa vụ thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại thay cho người đó bằng phần di sản do người đó để lại và chỉ bồi thường trong phạm vi phần tài sản mà họ được nhận.

Nếu di sản của người gây thiệt hại được chia theo di chúc thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu những người được ghi trong di chúc là người thừa hưởng di sản bồi thường thiệt hại cho mình.

Còn trong trường hợp, người gây thiệt hại không để lại di chúc và di sản được chia theo pháp luật thì những người sau đây sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho người gây thiệt hại:

- Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

- Hàng thừa kế thứ hai: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

- Hàng thừa kế thứ ba: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Trong đó, thứ tự ưu tiên hưởng thừa kế được sắp xếp theo thứ tự các hàng thừa kế. Những người có tên trong hàng thừa kế thứ nhất phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người chết trước. Nếu hàng thừa kế trước không còn ai thì hàng thừa kế sau phải thực hiện.

Hoàng Mai