Góc nhìn luật gia

Người gây ra vụ cháy rừng kinh hoàng đối diện mức án nào?

Là người gây ra vụ cháy rừng kinh hoàng nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh, bị can Phan Đình Thành có thể đối mặt với mức án tới 12 năm tù.

Có thể nói rằng vụ cháy rừng xảy ra tại Hà Tĩnh trong những ngày vừa qua là một vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả thiệt hại nặng nề đến nhiều hécta rừng ở địa phương này, thiệt hại kinh tế lớn, đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhiều người.

Đối tượng Thành tại cơ quan công an

Mới đây, công an huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam Phan Đình Thành (SN 1973; trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) về tội "Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy".

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Cơ quan công an sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ cháy, xác định rõ hậu quả đã xảy ra làm căn cứ xác định trách nhiệm pháp lý đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp

Trong đó, đối với người có hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy gây thiệt hại từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì hình phạt có thể lên đến mức cao nhất là 12 năm tù theo quy định tại khoản 3 điều 313 bộ luật hình sự.

Để xử lý về tội danh này, cơ quan điều tra cần có đầy đủ tài liệu chứng cứ để chứng minh người đàn ông này đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Luật sư Cường cũng nói thêm, nếu trong trường hợp không đủ căn cứ xử lý về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy nhưng hành vi của đối tượng có dấu hiệu hủy hoại rừng, không đảm bảo an toàn cho khu rừng đó thì vẫn có thể xử lý về tội hủy hoại rừng theo quy định pháp luật tại Điều 243 BLHS.

Cũng nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Ngoài việc xem xét trách nhiệm của cá nhân trực tiếp gây ra vụ hỏa hoạn, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ rừng, kiểm tra điều kiện về phòng cháy, tuần tra, kiểm soát để xác định có sai phạm hay không của cơ quan chức năng khi để xảy ra vụ cháy như vậy.

Luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Nếu có việc tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho hoạt động phá rừng thì tùy vào hành vi sai phạm cụ thể, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi mà cũng có thể bị xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hai vị luật sư đều cho rằng, vụ cháy rừng quy mô lớn, hậu quả chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng. Đây là một bài học lớn về công tác quản lý dân cư, đảm bảo phòng chống cháy rừng.

Từ vụ việc này mà các địa phương có rừng cần đề phòng hỏa hoạn có thể gây cháy rừng, tích cực tuyên truyền cho người dân về công tác phòng cháy. Đồng thời củng cố, bổ sung lực lượng, trang thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, giảm thiểu những thiệt hại rủi ro cho nhà nước, tổ chức và cá nhân khi vụ hỏa hoạn, cháy rừng xảy ra.