Hồ sơ doanh nghiệp

Người được ông Trịnh Văn Quyết uỷ quyền toàn bộ cổ phần tham gia HĐQT FLC

Sau thời gian dài biến động về nhân sự, FLC đã kiện toàn đủ 5 thành viên HĐQT sau phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 lần thứ hai.

Tập đoàn FLC vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023 với sự tham dự của 279 cổ đông, chiếm hơn 44% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Với tỉ lệ đồng thuận cao, đại hội đã thống nhất bầu bà Vũ Đặng Hải Yến (với tỉ lệ đồng ý 100%) và bà Trần Thị Hương (với tỉ lệ đồng ý 92%) là thành viên HĐQT, thay cho các thành viên cũ đã từ nhiệm.

Đồng thời, HĐQT FLC cũng đã họp và thống nhất bầu bà Vũ Đặng Hải Yến giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC. Đáng chú ý, bà Yến là người từng được cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ủy quyền toàn bộ quyền cổ đông tại FLC, Bamboo Airways và quyền liên quan đến các tài sản thuộc sở hữu của ông hồi năm 2022 khi ông Quyết bị bắt.

Cả hai thành viên HĐQT mới đều là những nhân sự cấp cao đã có thời gian gắn bó lâu dài và được đánh giá là phù hợp với định hướng kinh doanh, tái cấu trúc của FLC trong thời gian tới. 

Như vậy, HĐQT mới của FLC sẽ có 5 thành viên bao gồm ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT, bà Vũ Đặng Hải Yến - Phó Chủ tịch thường trực, ông Doãn Hữu Đoàn – Phó Chủ tịch và các thành viên là ông Lê Thái Sâm, bà Trần Thị Hương.

Các thành viên HĐQT mới của FLC.

Trình bày trước cổ đông, theo đại diện Ban điều hành Tập đoàn FLC, trong giai đoạn 2020 - 2022, FLC chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hàng loạt sự kiện bất khả kháng, bao gồm Đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, và đặc biệt là các vấn đề pháp lý liên quan đến một số nguyên lãnh đạo cấp cao. Ảnh hưởng liên đới từ các yếu tố này dẫn đến nhiều hệ lụy, gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh nói chung của FLC.

Trong bối cảnh này, FLC cho biết sẽ thực hiện tái cơ cấu toàn diện (bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản vay, tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu các hoạt động đầu tư, kinh doanh…).

Được sự đồng thuận của cổ đông, nhiều nhóm giải pháp quan trọng trong phương án tái cơ cấu của FLC đã được thông qua trong sáng ngày 4/3, như: tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của Tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ  dự án, liên doanh/liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án; linh hoạt trong phương án huy động vốn, tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tinh giản bộ máy, xử lý nợ xấu, giải quyết sạch về công nợ, duy trì và phát triển hoạt các hoạt động, các lĩnh vực thế mạnh của Tập đoàn…

Với các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư, ĐHĐCĐ chấp thuận đưa vào chi phí một lần và theo dõi ngoại bảng với các khoản nợ xấu khó đòi; đồng thời thực hiện trích lập dự phòng 100% với các khoản hiện đang cần xem xét, đàm phán để thu về. Với các khoản đầu tư của Tập đoàn tại các công ty con, công ty liên kết sẽ thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có).

Giải thích thêm, ông Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc FLC cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều đối tác của FLC đang trong tình trạng khó khăn, mất khả năng thanh toán, không thể liên hệ, không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh khiến FLC phải đối mặt với tình trạng khó thu hồi một số khoản công nợ.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục ghi nhận và theo dõi trên sổ sách kế toán sẽ không phản ánh được chính xác hoạt động của doanh nghiệp, do đó, cần hạch toán ngoại bảng và xử lý các khoản dự phòng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

“Cần làm rõ, bản chất quyền thu hồi của FLC đối với các khoản này vẫn giữ nguyên, nhưng sẽ được thực hiện theo dõi ngoại bảng. Hiện công ty cũng đã có kế hoạch thành lập tổ thu hồi công nợ để thực hiện các biện pháp thu hồi các khoản nợ này trong tương lai. Khi thu hồi về sẽ lại được ghi nhận trở lại trên báo cáo tài chính của Công ty với khoản thu nhập tương ứng”, ông Công nói.